Những trường hợp ngoại lệ về nghĩa vụ giữ bí mật của Luật sư (Bài 2)

Ngày đăng : 07:12, 02/06/2017

(Kiemsat.vn) - Trong một số trường hợp ngoại lệ, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của Luật sư không được áp dụng. Nói cách khác, Luật sư phải cung cấp hoặc có thể cung cấp thông tin bí mật của khách hàng cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Ốt-xtrây-li-a và Hoa Kỳ là ví dụ.

(Tiếp theo)

2. Các quy định của Hoa Kỳ

2.1. Quy định của Đạo luật về chứng cứ của bang California về việc luật sư tiết lộ thông tin của khách hàng

Theo quy định tại Điều 956.5 của Đạo luật về chứng cứ của bang California, Hoa Kỳ năm 1965 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) thì thông tin của khách hàng cung cấp sẽ không được bảo vệ bằng nghĩa vụ bảo mật thông tin nếu luật sư có căn cứ để tin tưởng rằng việc tiết lộ bất kỳ thông tin bí mật liên quan đến việc đại diện cho một khách hàng là để ngăn chặn một hành vi phạm tội mà luật sư có cơ sở để tin tưởng rằng hành vi đó sẽ dẫn đến cái chết hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của một cá nhân.

2.2. Quy định về việc luật sư tiết lộ thông tin của khách hàng tại các Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư

Các bang của Hoa Kỳ đều ban hành Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư dựa trên Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Luật sư do Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ban hành năm 1983 (sửa đổi, bổ sung năm 2003 và 2012) . Trong tất cả các Bản quy tắc này đều có quy định về những trường hợp Luật sư tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng trong một số trường hợp cụ thể.

2.2.1. Quy định tại Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Luật sư

Tại Mục 1.6 của Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Luật sư do Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ban hành năm 1983 (sửa đổi, bổ sung năm 2003 và 2012) quy định Luật sư có thể tiết lộ thông tin của khách hàng đến một phạm vi mà luật sư có căn cứ để tin tưởng là cần thiết trong các trường hợp sau đây:

(a) Tiếp lộ theo quy định bắt buộc của luật hoặc lệnh của tòa án;

(b) Tiếp lộ để ngăn chặn cái chết hoặc những tổn hại nghiêm trọng về thể chất sắp xảy ra cho người khác. Đây là trường hợp mà thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe của người khác sẽ xảy ra hoặc có những mối đe dọa hiện hữu và nghiêm trọng dẫn đến sự thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe của người khác nếu luật sư không tiến hành bất kỳ hành động nào để chặn đứng đe dọa đó. Ví dụ: luật sư biết rằng khách hàng của họ đã có hành vi đổ chất thải độc hại vào nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân ở một thành phố, thì luật sư phải cung cấp thông tin này cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nếu có nguy cơ hiện hữu và nghiêm trọng rằng người sử dụng nước đó để sinh hoạt sẽ bị đe dọa đến tính mạng hoặc bị bệnh nguy hiểm đến sức khỏe và việc tiết lộ thông tin của luật sư là cần thiết để ngăn chặn mối hiểm họa về sức khỏe hoặc giảm thiểu số lượng nạn nhân.

(c) Tiết lộ để ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc gian lận của khách hàng mà luật sư có căn cứ xác định hành vi đó sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác và khách hàng là chủ thể đã hoặc đang sử dụng dịch vụ do luật sư cung cấp để thực hiện hành vi phạm tội hoặc gian lận đó. Đây là trường hợp luật sư tiết lộ thông tin cho những người bị thiệt hại và cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn khách hàng thực hiện hành vi phạm tội cụ thể hoặc gian lận mà hành vi này sẽ dẫn đến hậu quả là làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác và khách hàng là chủ thể đã sử dụng hoặc đang sử dụng dịch vụ của luật sư để thực hiện hành vi này. Hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội hoặc gian lận của khách hàng là nguyên tắc bảo mật thông tin sẽ không được áp dụng. Do đó, khách hàng có thể ngăn chặn việc tiết lộ thông tin bằng cách không thực hiện hành vi phạm tội hoặc gian lận. Đồng thời, trong trường hợp này, luật sư cũng không được tư vấn hoặc hỗ trợ khách hàng thực hiện những hành vi mà luật sư biết đó là hành vi phạm tội hoặc gian lận. Tuy nhiên, luật sư cũng có thể thảo luận với khách hàng về hậu quả của hành vi phạm tội hoặc gian lận của khách hàng. Trong trường hợp này luật sư phải hủy bỏ việc đại diện cho khách hàng.

(d) Để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ hoặc khắc phục những thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác mà có căn cứ xác định những thiệt hại đó sẽ xảy ra hoặc đã xảy ra do khách hàng là chủ thể đã sử dụng dịch vụ của luật sư để thực hiện hành vi phạm tội hoặc gian lận đó. Đây là trường hợp mà luật sư không biết về hành vi phạm tội hoặc gian lận của khách hàng cho đến sau khi hành vi phạm tội hoặc gian lận đó đã được thực hiện. Mặc dù, khách hàng không còn khả năng để ngăn chặn việc tiết lộ thông tin của luật sư bằng việc chấm dứt hành vi phạm tội hoặc gian lận nhưng vẫn còn đó cơ hội để hạn chế, sữa chữa hoặc giảm bớt thiệt hại về lợi ích tài chính hoặc tài sản cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp này, luật sư có thể tiết lộ thông tin liên quan đến một mức độ cần thiết để làm cơ sở cho người bị thiệt hại tài chính hoặc tài sản có thể hạn chế hoặc giảm thiểu thiệt hại hoặc cố gắng thu hồi lại các khoản thiệt hại đã mất.

2.2.2. Quy định tại một số Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư tại một số bang của Hoa Kỳ

a) Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư của bang New Jersey, Hoa Kỳ

Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư của bang New Jersey, Hoa Kỳ được ban hành năm 1984 trên cơ sở Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Luật sư. Theo quy định tại điểm b của Tiểu mục 1.6 của Bản quy tắc này, thì Luật sư phải nhanh chóng cung cấp thông tin của khách hàng cho những cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi mà luật sư có căn cứ để tin tưởng là cần thiết để ngăn chặn khách hàng hoặc người khác:

(i) Thực hiện một hành vi phạm tội cụ thể, hành vi trái pháp luật hoặc hành vi gian lận mà luật sư có căn cứ để tin rằng hành vi này sẽ dẫn đến hậu quả làm người khác chết hoặc thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác;

(ii) Thực hiện một hành vi phạm tội cụ thể, hành vi trái pháp luật hoặc hành vi gian lận mà luật sư có lý do để tin tưởng rằng hành vi đó là hành vi gian dối trong tố tụng.

Nếu Luật sư cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong hai trường hợp nêu trên, thì Luật sư có thể cung cấp thông tin cho người bị đe dọa trong một phạm vi mà Luật sư có căn cứ để tin tưởng là cần thiết để ngăn ngừa cái chết hoặc thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thiệt hại nghiêm trọng về tài chính hoặc thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người bị đe dọa.

Bên cạnh đó, điểm d Tiểu mục 1.6 của Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư của bang New Jersey, Hoa Kỳ cũng quy định về các trường hợp mà Luật sư có thể tiết lộ thông tin do khách hàng cung cấp như sau:

(i) Để khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi gian lận của khách hàng mà hành vi đó do khách hàng đã sử dụng dịch vụ luật sư để thực hiện;
(ii) Để xác lập việc khởi kiện hoặc tự bảo vệ cho chính luật sư trong một tranh chấp giữa khách hàng và luật sư hoặc xác lập việc bào chữa cho một tội phạm mà Luật sự bị cáo buộc hoặc vụ kiện dân sự chống lại luật sư dựa trên các hoạt động của luật sư mà có liên quan đến khách hàng;

(iii) Để thực hiện quy định của luật khác.

b) Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ

Bản quy tắc về đạo đức hành nghề của Luật sư tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ có hiệu lực từ năm 1991 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007). Theo Mục 1.6 của Bản quy tắc này thì Luật sư có thể tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng trong 3 trường hợp cụ thể sau đây:

1. Luật sư có thể tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng đến một phạm vi hợp lý cần thiết để:

(i) Ngăn chặn một hành vi tội phạm cụ thể mà luật sư có căn cứ để tin rằng hành vi đó sẽ dẫn đến cái chết hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác nếu luật sư không tiết lộ thông tin bí mật đó;

(ii) Ngăn chặn hành vi đưa hối lộ hoặc đe dọa người làm chứng, bồi thẩm đoàn, nhân viên tòa án hoặc những người khác liên quan đến thủ tục tố tụng tại tòa án nếu luật sư có căn cứ để tin rằng hành vi đó sẽ xảy ra nếu luật sư không tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng.

2. Khi khách hàng đã sử dụng hoặc đang sử dụng dịch vụ của luật sư để thực hiện một hành vi phạm tội hoặc gian lận, Luật sư có thể tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng đến một phạm vi hợp lý cần thiết để:

(i) Ngăn chặn khách hàng thực hiện một hành vi phạm tội hoặc gian lận nếu có căn cứ khẳng định hành vi đó sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác;

(ii) Ngăn chặn, giảm nhẹ hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác nếu có căn cứ xác định thiệt hại đó là hậu quả của hành vi phạm tội hoặc gian lận của khách hàng.

3. Luật sư có thể tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng trong các trường hợp sau đây:

(i) Có sự đồng ý rõ ràng của khách hàng;

(ii) Theo yêu cầu bắt buộc do luật quy định hoặc theo lệnh của Tòa án;

(iii) Để giảm thiểu các bước cần thiết trong vụ kiện do luật sư tiến hành để đòi phí luật sư;

(iv) Khi Luật sư có căn cứ để tin rằng khách hàng đã gián tiếp đồng ý cho Luật sư tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng để thực hiện công việc đại diện cho khách hàng;
(v) Tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng đến một phạm vi hợp lý cần thiết để biện hộ hoặc tự bảo vệ mình đối với tội phạm mà Luật sư bị cáo buộc hoặc một vụ kiện chống lại Luật sư dựa trên công việc liên quan cho khách hàng hoặc để tự bảo vệ trước khiếu nại cụ thể của khách hàng liên quan đến việc đại diện của Luật sư cho khách hàng.

c) Bản quy tắc đạo đức hành nghề của Luật sư tại một số bang khác của Hoa Kỳ

Bản quy tắc đạo đức hành nghề của Luật sư tại các bang Alaska, Arkansas, Connecticut, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New Mexico, North Dakota, Pennsylvania và Uhta đều cho phép luật sư tiết lộ thông tin cần thiết để ngăn chặn khách hàng thực hiện một hành vi tội phạm cụ thể mà có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích tài chính hoặc tài sản của người khác.
Bản quy tắc đạo đức hành nghề của Luật sư tại các bang Arizona, Arkansas, Colorado, Idaho, Illinois, Kansas, Michigan, North Caroliana, Oregon, South Carolina và Wyoming cho phép Luật sư tiết lộ dự định thực hiện hành vi phạm tội của khách hàng. Bên cạnh đó, Bản quy tắc hành nghề đạo đức của các bang Arizona, Connecticuts, Florida, Illinois, Nevada, North Dakota, Texas, Tennessee, Vermont và Wisconsin còn quy định luật sư bắt buộc phải tiết lộ thông tin để ngăn chặn những tội phạm bạo lực nghiêm trọng.

Trên đây là một số quy định của Ốt-xtrây-li-a và Hoa Kỳ về các trường hợp luật sư bắt buộc phải hoặc có thể tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng mà luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho họ./.

[1] Evidence Code, https://leginfo.legislature.ca.gov/faces/codes_displayText.xhtml?lawCode=EVID&division=8.&title=&part=&chapter=4.&article=3.html.

[2] Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ có tại trang của Hiệp hội này: https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information.html.

[3] Danh sách các bang nêu trên có tại trang của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ: https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/alpha_list_state_adopting_model_rules.html.

[4] Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ có tại trang của Hiệp hội này: https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information.html.

[5] American Bar Association, Comment on Rule 1.6, có tại trang: https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information/comment_on_rule_1_6.html.

[6] American Bar Association, Comment on Rule 1.6, có tại trang: https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information/comment_on_rule_1_6.html.

[7] American Bar Association, Comment on Rule 1.6, https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information/comment_on_rule_1_6.html.
[8] Bản quy tắc mẫu về đạo đức hành nghề của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ có tại trang của Hiệp hội này: https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information.html.

[9] American Bar Association, Comment on Rule 1.6, https://www.americanbar.org/groups/professional_responsibility/publications/model_rules_of_professional_conduct/rule_1_6_confidentiality_of_information/comment_on_rule_1_6.html.
[10] Bản quy tắc này có tại trang https://www.law.cornell.edu/ethics/nj/code/NJ_CODE.HTM.

[11] https://www.law.cornell.edu/ethics/nj/code/NJ_CODE.HTM.

[12] Bản quy tắc có tại trang: https://www.law.cornell.edu/ethics/nj/code/NJ_CODE.HTM.

[13] Bản quy tắc này có tại trang: https://www.dcbar.org/bar-resources/legal-ethics/amended-rules/rule1-intro.cfm.

[14] Rules of Professional Conduct: Rule 1.6–Confidentiality of Information, có tại trang: https://www.dcbar.org/bar-resources/legal-ethics/amended-rules/rule1-06.cfm.
[15] Stephen Gillers, Roy D. Simon, Andrew M. Perlman, Dana Remus, Regulation of Lawyers: Statutes and Standards, Concise Edition, 2017 Supplement.
[16] Stephen Gillers, Roy D. Simon, Andrew M. Perlman, Dana Remus, Regulation of Lawyers: Statutes and Standards, Concise Edition, 2017 Supplement.

Ths. Lê Mạnh Hùng

TAND tối cao