Khi trộm đột nhập có được chống trả?

Ngày đăng : 09:23, 04/12/2017

(Kiemsat.vn) – Khi trộm đột nhập vào nhà, chủ nhà được làm gì? Nếu đánh trộm gây thương tích để bảo vệ gia đình và tài sản thì có vi phạm pháp luật không?

Sự việc xảy ra gần đây như Báo nguoilao.dong đưa tin, ngày 23/11/2017, ông Lê Minh Phương ở quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đã đánh gây thương tích nặng một học sinh khi họ đột nhập vào cửa hàng tạp hóa trộm cắp tài sản. Nạn nhân là Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002) được Công an đưa đi cấp cứu và sau đó giám định tỉ lệ thương tật 61%, hiện Tùng đang bị liệt nửa người

Khi trộm đột nhập có được chống trả? Ảnh ông Lê Minh Phương (nguồn internet)

Tại cơ quan công an, ông Lê Minh Phương khai rằng do gia đình ông thường xuyên bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp tài sản nên ông rất bực tức. Khuya 22/11, ông thấy một bóng đen đột nhập nhà nên dùng kiếm Nhật chém loạn xạ, không biết chém vào đâu và sau khi Tùng nằm dưới nền nhà, ông đã báo công an.

Ngày 2/12/2017, các cơ quan chức năng TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can tội danh “Giết người” đối với ông Lê Minh Phương (SN 1967) trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, đồng thời ra lệnh tạm giam 4 tháng để điều tra. Ban đầu, ông Lê Minh Phương bị bắt để điều tra tội “Cố ý gây thương tích” nhưng sau đó chuyển sang tội danh “Giết người” và bị tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra.

Đâu là giới hạn?

Việc chống trả lại những tên trộm đột nhập vào nhà như thế nào, phòng vệ ở mức độ nào là đúng với quy định của pháp luật vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình là câu hỏi mà nhiều người muốn có lời giải đáp.

Khoản 2 Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

Đồng thời, khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Như vậy, có thể thấy nơi ở hợp pháp và tính mạng, sức khoẻ của con người được pháp luật đề cao và bảo vệ, trừ một số trường hợp đặc biệt được pháp luật cho phép.

Khi trộm đột nhập có được chống trả? Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Nhiều ý kiến cho rằng việc người dân tức giận khi bắt được trộm, rồi đánh là điều rất dễ hiểu, thậm chí còn được nhiều người ủng hộ việc này vì cho rằng hành vi trộm cắp tài sản hiện nay diễn ra quá nhiều, thậm chí liên tục. Tuy nhiên, hành vi đánh kẻ trộm là vi phạm pháp luật và không loại trừ việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật cho phép sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn chặn hành vi nguy hiểm. Tuy nhiên, những biện pháp phòng vệ phải là cần thiết và tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì, ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng rất mong manh.

Nếu hành vi phòng vệ bị xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật… Vì vậy, người dân phải cẩn trọng, nên kiềm chế cảm xúc của mình đừng để qua cơn nóng giận lại vô tình vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Việc trộm đột nhập vào nhà, không có nghĩa là bắt được trộm thì chủ nhà được quyền đánh đập. Dù có là kẻ trộm (có hành vi vi phạm pháp luật) thì vẫn được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ.

Theo quy định của Điều 15 Bộ luật Hình sự (1999 sửa đổi bổ sung năm 2009) thì cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân…

Phòng vệ chính đáng không chỉ là sự chống trả cần thiết mà nó còn phải phù hợp với chính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể.

Phòng vệ chính đáng không có nghĩa là tự xử lý, mà thẩm quyền xử lý các hành vi trái pháp luật thuộc về Nhà nước.

Anh Minh
(tổng hợp)

Xem các tin có liên quan >>>>>

Nếu không có các anh, em đã “trở thành” tên trộm cắp!

Quy định về báo cáo điều tra hình sự

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (27/11 – 01/12)