Lạm quyền trong việc xác nhận Sơ yếu lý lịch, tín hiệu đáng quan ngại

Ngày đăng : 01:41, 13/08/2017

(Kiemsat.vn) – Xác nhận không tốt vào Sơ yếu lý lịch do chưa đóng góp xây dựng địa phương không phải là vấn đề mới và đã được cơ quan quản lý nhà nước ban hành nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn. Tuy nhiên, liên tiếp các vụ việc tương tự diễn ra thời gian gần đây là những tín hiệu đáng quan ngại về năng lực của UBND cấp phường xã.

Sửa nhưng vẫn sai!

Ngày 07/8/2017, chị Nguyễn Thị Quyên (23 tuổi, ở An Đông, An Bình, Nam Sách, Hải Dương), tốt nghiệp Đại học đi làm hồ sơ xin việc thì bị Phó Chủ tịch UBND xã bút phê vào sơ yếu lý lịch với dòng chữ: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”. Lý do vì gia đình chị Quyên chưa đóng tiền làm đường. Anh Cường, anh trai chị Quyên cho biết: “Theo thông báo của xã An Bình về việc đóng góp làm đường nông thôn mới, mỗi khẩu phải đóng tối thiểu 2 triệu đồng, gia đình tôi tính ra là 6 khẩu, phải đóng 12 triệu. Số tiền này lớn quá, chúng tôi chưa có điều kiện để đóng”.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 08/8/2017, tân sinh viên Ngô Việt Anh tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội mang hồ sơ nhập học lên xã xin xác nhận lại bị Chủ tịch xã trực tiếp phê những dòng chữ nặng nề: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”.

Người dân còn có thể làm được gì khi Sơ yếu lý lịch cá nhân bị phê thế này?

Điều đáng nói ở đây, sau khi vụ việc bị dư luận phản ứng, ông Chủ tịch Nguyễn Đăng Huấn của xã Duyên Hà, Thanh Trì đã mời gia đình em Ngô Việt Anh lên và xác nhận lại vào lý lịch: “UBND xã Duyên Hà xác nhận anh Ngô Việt Anh có hộ khẩu thường trú tại xã, bản thân và gia đình luôn chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”.

Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp đã hướng dẫn việc chứng thực sơ yếu lý lịch như sau: “Các Sở Tư pháp chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai trong lý lịch” (Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 về hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch). Quy định về việc chứng thực chữ ký của người khai trong lý lịch cũng đã được nêu rõ tại điểm b, khoản 4 Điều 24  Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.

Xã Duyên Hà đã sửa sai, nhưng đã biến hành vi lạm quyền thành sự tuỳ tiện 

Theo đó, Sơ yếu lý lịch là giấy tờ chứa đựng các thông tin cá nhân của người khai lý lịch, các quan hệ gia đình và một số thông tin về nhân thân của bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em nên chỉ bản thân người đó hiểu và biết rõ. Tuy nhiên, để xác định xem có đúng người có tên trong lý lịch khai không thì cần có người xác nhận. Vì vậy, chứng thực chữ ký trên sơ yếu lý lịch là hình thức hợp lý nhất, UNBD xã cũng không chịu trách nhiệm về nội dung của sơ yếu lý lịch mà người khai sẽ chịu trách nhiệm. Việc ông Chủ tịch xã Duyên Hà sửa sai đã biến hành vi lạm quyền của ông thành sự tuỳ tiện và tiếp tục vi phạm quy định trong việc xác nhận Sơ yếu lý lịch.

Thiếu năng lực hay lạm quyền?

Trước đó, ngay từ tháng 3/2014, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã có Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 về hướng dẫn xác nhận sơ yếu lý lịch. Nội dung công văn đã ghi rõ:

“Hiện nay, yêu cầu xác nhận Sơ yếu lý lịch của người dân là rất lớn. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác nhận nên UBND cấp xã thực hiện không thống nhất, có nơi xác nhận đăng ký thường trú, có nơi xác nhận chữ ký của người khai lý lịch, cũng có nơi chỉ đóng dấu của UBND mà không có nội dung xác nhận…

Đặc biệt, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực còn nhận được phản ánh của báo chí và một số địa phương về việc một số UBND cấp xã đã xác nhận vào Sơ yếu lý lịch của công dân với nội dung “không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước” do những hộ gia đình này không nộp đầy đủ các khoản thu của địa phương. Nội dung xác nhận này đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất lợi cho công dân khi sử dụng Sơ yếu lý lịch.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, trong thời gian chưa ban hành Luật Chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị các Sở Tư pháp chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân”.

Công văn số 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực

Một sinh viên ra trường mang theo Sơ yếu lý lịch như vậy thì liệu có thể xin việc được không? Một sinh viên nhập trường mang theo lời nhận xét của địa phương như vậy liệu có thể nhập học? Hậu quả của việc phê vào lý lịch cá nhân như vậy là rất rõ ràng nhưng các “quan xã” vẫn ghi vào lý lịch như vậy thì là vô cảm, thiếu năng lực hay lạm quyền?

Người dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm, nhưng cán bộ nhà nước khi thi hành công vụ thì phải tuân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này các văn bản dưới luật đã hướng dẫn rất rõ, nhưng các vị “quan xã” không thực hiện mà lấy nó ra làm công cụ để “trừng phạt” người dân không đóng góp xây dựng nông thôn là lạm quyền. Nếu hành vi đó vì vụ lợi hoặc mang động cơ cá nhân khác, trù dập thì đó chính là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực để đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, từ câu chuyện lạm quyền của các “quan xã” trên đây đã cho chúng ta thấy cần phải có giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, bởi lẽ nhân tố con người luôn là nhân tố quyết định.

Sơn Tùng