Nên hay không nên cho tử tù kết hôn?

Ngày đăng : 09:24, 11/02/2017

(Kiemsat) - Quy định tử tù được phép kết hôn hay không đang có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, cho phép kết hôn là nhân đạo. Nhưng cũng không ít ý kiến phản đối, cho rằng điều đó dẫn đến các hệ lụy xã hội. Phóng viên của Kiemsat.vn đã trao đổi với chuyên gia pháp luật về vấn đề này.

Cho phép tử tù kết hôn là nhân văn và không vi phạm pháp luật

Theo Luật sư Lê Cao, đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, quy định tử tù được phép kết hôn thể hiện tính nhân văn và cần thiết, để thực thi quyền con người; cho dù họ bị cách ly khỏi xã hội, đối mặt với hình phạt bị tước đoạt mạng sống, nhưng họ có quyền con người. Luật pháp Việt Nam từ trước đến nay không có quy định cấm tử tù kết hôn; đồng thời, trên thực tế, có người thực sự có nhu cầu kết hôn đối với tử tù. Chẳng hạn, năm 2014, có người phụ nữ làm đơn gửi Tòa phúc thẩm, TAND tối cao tại TP HCM để đề nghị được kết hôn với tử tù Đặng Văn Hai (Hai bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình ngày 15/11/2013 trong vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính ALC2). Có những trường hợp đã có quan hệ tình cảm, thậm chí có con chung trước đó với người bị tuyên án tử hình và họ muốn được kết hôn để đảm bảo các quyền về tài sản, các quyền cho con. Từ thực tế này, Luật sư cho rằng việc cho phép kết hôn với tử tù thể hiện được cả mặt nhân văn và pháp luật.

Quyền con người cần được đảm bảo thực thi một cách tối đa nhất

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật New vision thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết thêm: Điều 36 – Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn”. Như vậy, việc kết hôn, ly hôn là quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cần được tôn trọng và bảo vệ. Luật chỉ quy định người đang chấp hành hình phạt tù sẽ bị hạn chế một số quyền như: Không được quyền ứng cử, quyền bầu cử đại biểu vào cơ quan quyền lực Nhà nước, không được quyền tham gia thành lập doanh nghiệp…
Pháp luật hình sự cũng như pháp luật chuyên ngành khác không có quy định về việc tước quyền kết hôn của người đang phải chấp hành hình phạt tù. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại Điều 5 có những quy định về trường hợp bị cấm kết hôn. Song, việc kết hôn khi đang chấp hành hình phạt tù thì lại không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn trong điều này. Ở Việt Nam, các quyền như kết hôn, ly hôn pháp luật không cấm thì đương nhiên được phép làm. Hiện, luật pháp chưa quy định cụ thể nên chưa thực thi được trên thực tế. Do đó, nhiều người sẽ thấy lạ lẫm và bất thường.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 18 của Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn, theo đó, hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn là giao dịch không thể ủy quyền mà bắt buộc cả 2 bên phải có mặt. Trong khi đó, đối với trường hợp của tử tù, họ đang chấp hành hình phạt tù, chịu sự quản lý cũng như một số quy định về việc chấp hành hình phạt tù, không được phép trích xuất ra ngoài, nên không thể có mặt để đăng ký kết hôn. Trên thực tế, theo Bộ Công an, hiện nay chưa có quy định cho phép trích xuất người đang lĩnh án tù giam ra ngoài để làm thủ tục đăng ký kết hôn, pháp luật chưa quy định rõ về việc cho phép tử tù kết hôn. Đây chính là một trong những trở ngại trong việc cho phép tử tù kết hôn – một trở ngại mang tính kỹ thuật.

Cần có hướng dẫn về việc tử tù, người chấp hành án phạt tù kết hôn

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, vấn đề trên đã được các luật sư đưa ra ý kiến căn cứ trên quy định của pháp luật, như: Cần đề ra hành lang pháp lý, đảm bảo cho việc thực hiện các quyền công dân đi vào đời sống, vừa đảm bảo tính khả thi của pháp luật, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của con người. Với các quy định mới, sẽ có thêm các quy định cụ thể hơn để có được các trình tự thủ tục cho phạm nhân kết hôn, ly hôn thuận lợi hơn, như có thể làm thủ tục kết hôn tại nơi giam giữ tử tù chẳng hạn.
Không có gì quá khó khăn trong câu chuyện quản lý nhà nước khi công nhận các quyền cơ bản của công dân, mặc dù họ là những người đang chấp hành hình phạt do các hành vi tội phạm. Nếu không cho họ quyền kết hôn thì rất nhiều phạm nhân hiện nay cũng đang có vợ, có chồng và họ cũng đang ở trong các cuộc hôn nhân của mình. Họ bị giam giữ, bị tử hình thì sau đó các quyền về tài sản, vấn đề thừa kế đều được pháp luật dự liệu và có quy định cách thức xử lý nên vấn đề kết hôn cũng có khả năng giải quyết được.
Việc đảm bảo quyền kết hôn của công dân nói chung và người chấp hành hình phạt tù nói riêng sẽ thể hiện tinh thần nhân văn, tính nhân đạo của Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền như ở Việt Nam hiện nay, quyền con người cần được nêu rõ và đảm bảo thực thi một cách tối đa nhất.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn quả quyết: Những hệ lụy về mặt xã hội mà chúng ta dự liệu như chuyện lợi dụng kết hôn với tử tù để có các hành vi khác thì pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành cũng đã có những quy định cấm liên quan đến quan hệ hôn nhân. Do đó, những hệ lụy đối với xã hội thực sự không phải là điều đáng lo lắng. Khi có hành lang pháp lý quy định cụ thể để tử tù hay các phạm nhân khác được quyền kết hôn, quy định rõ thủ tục kết hôn trong các trường hợp đặc biệt này cho họ là cách hành xử nhân văn của pháp luật.

Thy Anh