Không thể yêu cầu người bị oan sai xuất trình hoá đơn

Ngày đăng : 01:40, 10/01/2017

(Kiemsat.vn) - Đó là ý kiến của Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể tại phiên họp thứ 6 Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 09/01/2017 trong phần góp ý cho Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Mức bồi thường quá cao đã tạo “tiền lệ”

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết thực tế hiện nay rất khó khăn trong việc giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, nhất là việc định lượng, xác định mức bồi thường cho người oan, sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang được bồi thường 7,2 tỷ đồng, khi kiểm điểm lại định mức bồi thường, các cơ quan cho rằng, Tòa án đã vận dụng luật không đúng, chấp nhận mức bồi thường quá cao, việc này tạo “tiền lệ” để các trường hợp bồi thường oan khác so sánh, đối chiếu.

So với vụ việc của ông Huỳnh Văn Nén, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thông tin: “Hiện chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén 17 năm”.

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho rằng, vì chưa có quy định cụ thể chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường nên khi thương lượng rất khó cho cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường; có khoản dễ tính theo hướng dẫn của Bộ Tài chính chẳng hạn như thu nhập tối thiểu nhân với số ngày ngồi tù oan; nhưng có những khoản chỉ mang tính định tính, không thể định lượng, như tổn hại về tinh thần, sức khỏe,…

Do đó, ông Thể đề nghị, cần đưa vào Luật những chi phí “cứng” như bồi thường về việc mất thu nhập tính theo số ngày ngồi tù, nhưng với những thiệt hại vô hình của người bị oan, sai như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc bị mất… thì cần có barem tương đối chứ không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh được.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể: Không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh
Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể: Không thể yêu cầu người dân xuất trình hoá đơn, giấy tờ chứng minh

Về vấn đề trách nhiệm bồi hoàn của người thực thi công vụ, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho rằng, cán bộ các cơ quan tố tụng thay mặt Nhà nước để làm công việc điều tra, truy tố, xét xử. Chính vì thế, khi cán bộ sai, cơ quan công quyền phải đền bù, xin lỗi là đúng. Theo ông Thể, chỉ trường hợp xác định cán bộ cố ý làm trái dẫn đến sai sót mới phải tự bỏ tiền túi ra đền. Còn vấn đề như trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan, sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại…

Có nên lập Quỹ bồi thường oan sai?

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Tài chính cho rằng, quy định căn cứ thực tế số tiền bồi thường đã cấp phát của năm trước để lập dự toán kinh phí bồi thường cho năm sau là không hợp lý. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nhà nước nên bố trí kinh phí để bồi thường cho những trường hợp cần thiết, khi đó sẽ giải quyết bức xúc của nhân dân về việc lấy tiền thuế của nhân dân để bồi thường.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nhà nước nên bố trí kinh phí để bồi thường cho những trường hợp cần thiết
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính: Nhà nước nên bố trí kinh phí để bồi thường cho những trường hợp cần thiết

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, nguồn thu của quỹ được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ và một số nguồn thu hợp pháp khác; cơ quan quản lý bồi thường nhà nước quản lý, chi trả và quyết toán quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Về ý kiến đề nghị thành lập Quỹ bồi thường độc lập, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ là các khoản thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì “toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước” (khoản 2 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước). Vì vậy, nếu thành lập Quỹ bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó ngân sách nhà nước phân bổ cho Quỹ.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ cơ chế về chi trả bồi thường như dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Chúng ta có quá nhiều loại quỹ (khoảng 80 quỹ)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Chúng ta có quá nhiều loại quỹ (khoảng 80 quỹ)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện tại chúng ta có quá nhiều loại quỹ (khoảng 80 quỹ), và không cần thiết một quỹ như trên. “Hoạt động của Nhà nước là phải do ngân sách nhà nước chi trả. Khi Nhà nước bồi thường oan, sai, rõ ràng lấy từ tiền ngân sách. Cần giải thích rõ cho người dân là tiền bồi thường lấy từ tiền thuế hay tiền khác, nhưng vẫn là từ ngân sách nhà nước. Không nên rạch ròi ngân sách khoản này chi cho việc này, khoản khác chi cho việc khác, theo tôi là không hợp lý, không đúng nguyên tắc”. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Cấp nào ra quyết định sai thì cấp đó phải bồi thường, xin lỗi. Còn khi đã sai, đúng mà còn liên quan đến cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thì trách nhiệm phải rõ”.

Về việc thành lập quỹ bồi thường, đa số ý kiến nhất trí không nên lập quỹ, do tất cả nguồn thu đưa vào quỹ đó là nguồn thu của ngân sách nhà nước. Việc lập dự toán là phù hợp, nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước không thể để Bộ Tài chính lập dự toán hàng năm, vì cơ quan nào chi thì cơ quan đó phải lập dự toán. Tuy nhiên, như vậy sẽ có quá nhiều đầu mối, quá phức tạp, khó lập dự toán đúng thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình ra các phiên họp tiếp theo.

Sơn Tùng