Vì sao Trump gây tranh cãi khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel?

Ngày đăng : 11:14, 10/12/2017

Việc Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel có thể được suy diễn là ủng hộ chủ quyền của Israel với thành phố, điều quốc tế không công nhận.

Thành phố Jerusalem. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump ngày 6/12 chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công bố kế hoạch chuyển đại sứ quán đến thành phố này. Quyết định của ông được Israel ca ngợi nhưng vấp phải sự phản đối lớn từ Palestine và các đồng minh phương Tây.

Vì sao Jerusalem quan trọng?

Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Hebrew, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của Vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên.

Còn theo Kitô giáo, tại Jerusalem, Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni đây là thành phố quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina bởi theo kinh Koran, Jerusalem là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Mohammed.

Do đó, thành phố trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Khu vực Thành Cổ của Jerusalem đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981.

Theo ước tính độc lập của Viện nghiên cứu Jerusalem, khoảng 850.000 người sống ở Jerusalem, trong đó 37% là người Arab và 61% là người Do Thái. Phần lớn người Palestine sống ở Đông Jerusalem.

Lịch sử căng thẳng xung quanh Jerusalem

Sau Thế chiến II, xung đột giữa cộng đồng người Arab và Do Thái ở Palestine do Anh cai trị ngày càng gia tăng. Liên Hợp Quốc năm 1947 thông qua kế hoạch phân chia lãnh thổ ủy trị Palestine thành hai quốc gia Do Thái (Israel) và Arab (Palestine) riêng biệt. Liên Hợp Quốc trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.


Kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947. Đồ họa: Washington Post.

Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5/1948. Trong khi đó, phe Arab trên toàn khu vực phản đối kế hoạch và tiến hành chiến tranh với Israel năm 1948 – 1949. Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của LHQ. Họ cũng trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này.

Trong khi kế hoạch ban đầu phân bổ 55% Vùng đất Palestine do Anh cai trị cho Israel và 45% cho người Palestine, cuộc chiến năm 1948 đã giúp Israel kiểm soát 78% đất. 22% còn lại, gồm dải Gaza và Bờ Tây (bao gồm Đông Jerusalem), lúc này được kiểm soát lần lượt bởi Ai Cập và Jordan.

Năm 1948, các chỉ huy Israel và Jordan vẽ ra một đường phân định và sau này trở thành Đường Đình chiến năm 1949. Một số phần của Jerusalem không nằm trong sự kiểm soát của cả Israel và Jordan. Đường đình chiến 1949 sau này trở thành Đường ranh giới năm 1967 và thường được đề cập trong các cuộc đàm phán giữa hai nhà nước Israel và Palestine.


Tình trạng phân chia năm 1948 – 1967. Đồ họa: Washington Post.

Năm 1967, Chiến tranh Sáu ngày nổ ra giữa các nước Arab và Israel. Kết thúc cuộc chiến , Israel kiểm soát 22% còn lại gồm Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza. Israel sau đó sáp nhập Đông Jerusalem. Họ còn chiếm được phần Cao nguyên Golan của Syria và bán đảo Sinai của Ai Cập. (Israel trao trả Sinai cho Ai Cập năm 1979 nhưng vẫn kiểm soát phần Cao nguyên Golan của Syria. Israel năm 2005 rút quân khỏi Gaza).

Tình trạng từ năm 1967 đến nay. Đồ họa: Washington Post.

Cộng đồng quốc tế – bao gồm cả đồng minh của Israel là Mỹ phản đối việc Israel sáp nhập Đông Jerusalem. Tuy nhiên, nước này vẫn cho hàng trăm nghìn người Do thái đến định cư tại phần này của thành phố.

Năm 1980, Israel thông qua luật Jerusalem, tuyên bố rằng “Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel”. Nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an LHQ tuyên bố luật này “vô hiệu”. Không nước nào đặt đại sứ quán ở Jerusalem.

Trong khi đó, phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai. Phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại Israel đã diễn ra trong nhiều năm, gây ra nhiều thương vong cho cả hai phía.

Vấn đề nhạy cảm

Quan hệ giữa Israel và Mỹ chiếm vị trí rất quan trọng trong chính sách tổng thể của chính phủ Mỹ ở Trung Đông. Quốc hội Mỹ coi trọng việc duy trì mối quan hệ gần gũi với Israel.

Thực tế, Đạo luật Đại sứ quán ở Jerusalem đã được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1995, yêu cầu đại sứ quán Mỹ phải di chuyển đến Jerusalem. Tuy nhiên, những người tiền nhiệm của ông Trump cứ 6 tháng một lần lại ra lệnh trì hoãn quyết định này, mặc dù họ từng hứa hẹn sẽ thực hiện điều đó trong chiến dịch tranh cử, theo CNN.

“Các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Hôm nay, tôi biến điều này thành hiện thực”, ông Trump nói khi công bố quyết định.

Với động thái này, ông Trump đã hoàn thành lời hứa trong chiến dịch và làm hài lòng những người bảo thủ của đảng Cộng hòa và các cử tri Do Thái cánh hữu.

Tình trạng của Jerusalem là trọng tâm trong các cuộc đàm phán hòa bình Palestine – Israel. Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc vì nó sẽ được coi là động thái ủng hộ chủ quyền của Israel với thành phố, điều mà cộng đồng quốc tế không công nhận, theo Aljazeera.

Các nhà lãnh đạo Palestine đã cảnh báo rằng bất kỳ thay đổi nào đối với hiện trạng cũng đồng nghĩa với việc kết thúc tiến trình hòa bình.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng Trump “vẫn cam kết đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine và lạc quan rằng hòa bình có thể đạt được”.

Một quan chức khác cho biết quyết định của Trump “không thay đổi hiện trạng đối với các khu linh thiêng và các vấn đề nhạy cảm khác”.

Ông Trump cũng nhấn mạnh Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu hai bên đồng ý. Ông khẳng định Mỹ không đưa ra lập trường về “hiện trạng cuối cùng, bao gồm các ranh giới cụ thể về chủ quyền của Israel ở Jerusalem hay việc giải quyết các tranh chấp biên giới”.

Các lãnh đạo ở Trung Đông và những nơi khác cảnh báo về hậu quả thảm khốc sau khi Mỹ ra quyết định. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại nơi sinh sống của người Palestine tị nạn ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên lo ngại về bất ổn kéo dài.

Một số người cho rằng động thái này có thể xóa nhòa hy vọng về tương lai đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Zakaria Odeh, giám đốc của Liên đoàn Công dân về Quyền Palestine ở Jerusalem, nói rằng “đây là một bước đi rất nguy hiểm. Động thái này vô hiệu hóa những kế hoạch đàm phán trong tương lai về xung đột”.

“Với việc tất cả đồng minh và tất cả đối tác Arab kêu gọi Trump không ra quyết định này, khó có thể thấy động thái đó sẽ thúc đẩy lợi ích cho chúng ta”, Dennis Ross, cựu cố vấn về Trung Đông cho Barack Obama nói. “Quyết định đó chỉ đơn giản là điều ông ấy muốn làm”.

Theo Phương Vũ/Vn.express