“An ninh mạng phải song hành với sự phát triển của internet”

Ngày đăng : 09:41, 13/11/2017

(Kiemsat.vn) - Chiều ngày (13/11), các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định an ninh mạng là vấn đề an ninh phi truyền thống, đang là sự quan tâm chung quốc tế, của từng quốc gia, của tất cả các diễn đàn song phương, đa phương…

An ninh mạng phải song hành với sự phát triển của internet Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm

“Chúng ta xác định an ninh mạng là vấn đề không một quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý và không một quốc gia đơn lẻ nào giải quyết được, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, thống nhất của các quốc gia mới xử lý được. Kể cả những nước hùng mạnh về kỹ thuật, công nghệ như Mỹ cũng phải hợp tác để giải quyết vấn đề an ninh mạng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo ông, mạng internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội; tác động vào sản xuất, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội… và việc ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin mạng, internet vì bất kể lý do gì đều là không thể. “Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới. Rõ ràng nhu cầu này và ứng dụng tiến bộ của internet buộc chúng ta phải làm”, Bộ trưởng Lâm nói.

Khẳng định quan niệm rõ ràng là chúng ta cần ứng dụng internet và phải phát triển hơn nữa, đưa internet vào đời sống kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng internet phát triển đến đâu, an ninh an toàn mạng phải đi theo đến đấy, phải song hành được với nhau.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng không một cơ quan nào có thể gọi là đứng ra đảm bảo an ninh mạng. Lực lượng An ninh mạng của Bộ Công an là chuyên trách, nhưng phải toàn xã hội đóng góp vào. Luật an ninh mạng là để toàn bộ xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và hiểu được trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo an ninh mạng đó. Đó là yêu cầu của luật cần đạt được. Trên thực tế, hệ thông tin của chúng ta rất nhiều người nói không an toàn vì có nhiều thông tin độc hại, “vậy phải thanh lọc nó thì chúng ta mới khỏe mạnh được” – đấy là mục tiêu xây dựng luật này, ông Lâm cho hay.

An ninh mạng phải song hành với sự phát triển của internet Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai)

Ngoài ra, khi đi vào nội dung cụ thể của dự thảo luật, đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo luật là vẫn có sự chồng chéo với các luật hiện hành. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP Hồ Chí Minh) nhận xét dự thảo Luật An ninh mạng với các Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng “giẫm chân nhau” rất nhiều, từ đối tượng điều chỉnh tới chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Do đó, đại biểu Dũng cho rằng cần phải rà soát lại tránh trường hợp sau này khi luật ra đời doanh nghiệp không biết nên tuân theo luật nào hay khi xảy ra một vụ việc nào đó có thể dẫn tới nhiều đơn vị cùng đứng ra xử lý, khó trong thi hành luật.

Thời gian qua, việc tung tin đồn thật thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự. Vì vậy, góp ý vào luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý kiến nghị bổ sung thêm hành vi cấm “trong khoản 4 Điều 22 bổ sung thêm khoản “xáo trộn cuộc sống người dân” đối với người tạo thông tin không đúng”. Lý giải vấn đề này, đại biểu Như Ý đã nêu ngay vụ: Cách đây 1 tuần, tại một tỉnh miền núi, các kẻ đã đưa thông tin cho rằng đập thủy điện bị vỡ và người dân họ tin đó là thật. Tôi vẫn còn ám ảnh bởi những ánh mắt sợ hãi, lo lắng, họ bồng bế nhau đi chạy nạn, chạy lũ chỉ bởi 1 thông tin bịa đặt. Cuộc sống của họ bị xáo trộn rất lớn. Do vậy cần thiết kế bổ sung thêm quy định về những thông tin làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Dự kiến, ngày 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng.

Anh Minh