Phê bình công khai người vi phạm Quy tắc ứng xử: Sai hay Đúng? Nên hay Không nên?

29/03/2017 10:15

(kiemsat.vn)
– “Phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng” là một biện pháp sẽ được áp dụng đối với những người vi phạm Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Dưới góc độ quyền nhân thân, việc áp dụng hình thức kỷ luật này có đúng hay sai?

phê bình công khai
phê bình công khai – Ảnh Internet

Ngày 10/3/2017, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND gồm 4 chương với 14 điều. Trong đó quy định về những việc tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, học tập, tham quan trên địa bàn thành phố Hà Nội nên làm và không nên làm ở những nơi công cộng như vỉa hè, lòng đường, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm tham quan du lịch,… nhằm hướng đến xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Nhìn chung, mỗi điều trong QTƯX đều mang tính khuyến nghị, hướng tổ chức, cá nhân tới những cách hành xử chuẩn mực, văn minh.

Bên cạnh đó, Điều 13 của Quy tắc này quy định về khen thưởng và kỷ luật nhằm xây dựng ý thức cho người dân trong việc thực hiện bộ QTƯX nơi công cộng. Khoản 2 Điều 13 quy định: “Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại QTƯX này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định”.

Như vậy, hình thức kỷ luật được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm QTƯX là nhắc nhở, nếu mức độ nghiêm trọng hơn sẽ bị phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung và hình thức phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được hiểu tương đối rộng như: công bố thông tin cá nhân của người vi phạm, công bố hình ảnh vi phạm,… trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí… Hình thức kỷ luật này tuy không mang tính cưỡng chế mạnh như các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật, chủ yếu mang tính răn đe, giáo dục nhưng khi phê bình công khai người vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng nếu như không được sự đồng ý của họ lại trở thành hành vi vi phạm quyền của cá nhân đối với thông tin, hình ảnh đã được ghi nhận tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” và Bộ luật dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”(Điều 32); “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”(Điều 34).

Vậy giải pháp nào để vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng, vừa tôn trọng và bảo vệ quyền nhân thân chính đáng của họ khi họ có hành vi vi phạm quy tắc?

Giải pháp chiếm ưu thế hơn cả là công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến nội dung QTƯX để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về văn hóa công cộng, từ đó phát huy tinh thần tự giác thực hiện. Đối với những người cố tình vi phạm quy tắc có thể áp dụng biện pháp nhắc nhở trực tiếp hoặc nghiêm khắc hơn là yêu cầu phục hồi tình trạng trước khi có hành vi vi phạm; yêu cầu ra khỏi khu vực công cộng bởi hầu hết những nơi công cộng được đề ra trong bộ quy tắc này đều đã đặt ra nội quy, quy định chung đối với khách đến tham quan, học tập, công tác nên nếu họ không tự giác thực hiện, những người quản lý, phụ trách khu vực công cộng đó hoàn toàn có thể yêu cầu họ dời đi mà không hề vi phạm quyền nhân thân của họ.

Xét cho cùng, bản chất và mục tiêu cao nhất của việc đề ra những QTƯX là nhằm xây dựng những chuẩn mực văn hóa nơi công cộng, nên việc triển khai thực hiện các quy tắc cũng cần xuất phát từ những chuẩn mực nhất định, trong đó cơ bản nhất là tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Ngọc Nga

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang