Nhường đường cho xe ưu tiên, không chỉ là vấn đề đạo đức

21/11/2017 03:18

(kiemsat.vn)
Trong cuộc sống thường ngày, hình ảnh vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè dành cho người đi bộ, lấn làn; đặc biệt là thái độ thờ ơ, vô cảm của người đi đường khi xe chữa cháy, xe cứu thương hú còi xin nhường đường từ phía sau.... không khó để chúng ta bắt gặp.

Mạng xã hội gần đây đăng tải nhiều hình ảnh khiến dư luận hết sức bất bình, khi người tham gia giao thông thiếu ý thức nhường đường cho xe ưu tiên.

Clip ghi lại hình ảnh chiếc xe chữa cháy đi theo sau hú còi xin đường một quãng dài từ đầu Cầu diễn đến tận ngã tư Nguyễn Cơ Thạch – Cầu Diễn mới được những xe ô tô phía trước chậm chạp nhường đường dù lưu lượng người khá thưa đã khiến nhiều xem người bức xúc.

Xe chữa cháy hú còi nhưng không được nhường đường (ảnh cắt từ clip)

Trước đó, Báo Nguoiduatin có đăng một clip ghi lại cảnh một chiếc xe tải cố tình không chịu nhường đường cho xe cấp cứu suốt 10km. Người đăng tải clip cũng là người lái chiếc xe cấp cứu cho biết, sự việc trên xảy ra vào ngày 28/3, trên QL 31 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Trên đường vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện, dù anh đã phát tín hiệu xin vượt suốt quãng đường dài gần 10km, nhưng tài xế này vẫn không chịu nhường đường.

Chiếc xe tải cố tình không nhường đường cho xe cấp cứu suốt 10km  (ảnh cắt từ clip)

Mới đây, Vietnamnet đã cung cấp một clip ghi lại sự việc lúc 7h ngày 11/8/2017, trên đường Hồ Chí Minh: Một chiếc xe ô tô SUV đi trước, cản đường của xe cứu hỏa hàng kilomet. Mặc dù xe cứu hỏa – dường như đang trên đường đi làm nhiệm vụ – hú còi inh ỏi nhưng chiếc SUV kia vẫn không có dấu hiệu nhường đường. Sau đoạn đường dài, xe cứu hỏa mới vượt được lên trên.

Việc nhường đường cho xe ưu tiên (cứu hỏa, cấp cứu, công an…) nói là văn hóa nghe to tát nhưng thực ra chỉ là một cử chỉ, hành động nhỏ trong đời sống hàng ngày. Người tham gia giao thông chưa thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của những người đang có người nhà trên đường cấp cứu trong cơn nguy kịch, những người đang vật lộn với ngọn lửa rừng rực trong các ngôi nhà bị cháy,…

Không có con số thống kê cụ thể nhưng số người chết do nguyên nhân kẹt xe, tắc đường ngày càng phổ biến. Trong trường hợp xe cấp cứu không được nhường đường, bị kẹt lại giữa đám đông thì lực lượng cứu thương dù chuyên nghiệp đến mấy cũng phải lắc đầu, sinh mạng con người khi đó thật mong manh, cuộc sống được tính bằng phút.

Vậy nhưng, ý thức của người tham gia giao thông đang dần hình thành một thói quen cố hữu đó là coi thường pháp luật. Những điều bình thường như dừng trước đèn đỏ, không đi lên vỉa hè, nhường đường,… lại trở thành điều không bình thường. Ở thành phố lớn, nét văn hóa nhường đường rất đẹp và nhiều tình người từ lâu dường như đã vắng bóng. Người ta đổ lỗi cho sự bận rộn, hối hả của cuộc sống hiện đại nên ai ra đường cũng tranh đi, tranh vượt cho nhanh, cho kịp. Đương nhiên đã tranh thì sẽ không có chuyện nhường nữa!

Thiết nghĩ, để thay đổi văn hóa giao thông, hạn chế các hành vi vi phạm luật giao thông, cần phải huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tổ chức, đơn vị, trường học…, nhưng trước hết, mỗi gia đình, cá nhân cần có thói quen cư xử văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ luật như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông.

Vẫn biết giao thông nước ta đang tồn tại một vấn nạn ùn tắc, mặc dù các xe ưu tiên hú còi, xin đường nhưng nhiều khi muốn nhường cũng không thể nhường được nên khó tránh khỏi việc bệnh nhân tử vong do xe cấp cứu bị tắc đường, không đến bệnh viện kịp. Tuy nhiên, nhìn nhận lại, vấn nạn ùn tắc lại xuất phát từ một nguyên nhân chính mà chúng ta đang đề cập tới là “Ý thức tham gia giao thông”.

Hai chiếc xe cứu thương mắc kẹt giữa dòng người chật cứng (internet)

Việc nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, xe ưu tiên,… không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước. Pháp luật đã có quy định và chế tài xử phạt cho hành vi vi phạm này.

Theo quy định mới nhất về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì hành vi không nhường đường cho các loại xe ưu tiên khi đang đi làm nhiệm vụ được quy định rất chặt chẽ.

– Đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô, mức phạt sẽ từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

– Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên, đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

– Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt cho hành vi trên sẽ từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, nếu gây ra tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 đến 4 tháng.

Phạm Hằng

Các bài liên quan>>>

Cần ngăn chặn tận gốc mua bán “hàng nóng” trên mạng

Lời xin lỗi muộn màng  

Đồng bạc “đâm toạc” lương tâm

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang