Nhiều di tích giữa lòng thủ đô bị lấn chiếm

05/06/2018 08:25

(kiemsat.vn)
Tình trạng đền, chùa bị xâm lấn, chiếm dụng để phục vụ cho mục đích cá nhân đã trở thành chuyện thường ngày ở phố. Đã đến lúc người dân và các cấp ngành phải có các hành động cụ thể, quyết liệt để trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho các di tích lịch sử.

Khi di tích thành nơi bán hàng, chỗ gửi xe…

Chốn cửa chùa, đình, đền, miếu mạo vốn là nơi tôn nghiêm, tĩnh mịch. Nhưng nhiều người dân đã bất chấp tất cả, lấn chiếm đất chùa để tư lợi cá nhân. Các quán bán trà đá, ăn uống, gửi xe, kinh doanh… biến nhiều di tích đã được xếp hạng ở Hà Nội thành “chợ trời” nhếch nhác. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng dường như chính quyền các phường, quận sở tại vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để.

Trước cổng chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược) tình trạng lấn chiếm hành lang để kinh doanh, buôn bán diễn ra thường xuyên (Ảnh: Báo Xây dựng)

Chùa Vĩnh Trù (59 Hàng Lược) là một trong những điển hình của việc xâm hại di tích. Được xây dựng từ thời Nguyễn, Chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1994. Thế nhưng, nhiều năm nay, ngôi chùa này đang lâm vào một tình thế thảm thương. “Tọa lạc” trong khuôn viên ngôi chùa là “nơi ăn chốn nghỉ” của một gia đình. Ngổn ngang trong sân chùa có đủ thứ đồ đạc, hàng hóa, biển hiệu... Như để tận dụng hết diện tích, nhà chủ còn kinh doanh thêm dịch vụ trông giữ xe máy! Bên ngoài sân chùa rộng chừng 20m2 đã bị trưng dụng dùng làm nơi cất giữ đồ hàng mã. Đặc biệt, những người xâm lấn còn đun nước, nấu cơm ngay dưới tấm biển bằng bê tông: “Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Vĩnh Trù đã xếp hạng cấm vi phạm”.

Ban ngày, khu vực trước cửa chùa được sử dụng làm nơi buôn bán đồ ăn sáng, ăn trưa. Chị Nguyễn Thị M, một thực khách ghé vào ăn phở cho biết: “Lần nào đến đây tôi cũng ngồi ăn ở sát cửa chùa như thế này quen rồi nên thấy bình thường”.

Thầy Thích Nguyên Tâm, trụ trì chùa Vĩnh Trù chia sẻ: “Hà Nội đất chật, người đông, dân kiếm kế sinh nhai vốn chẳng phải là chuyện xấu nhưng càng ngày dân càng ngang nhiên lấn chiếm không gian thanh tịnh nơi cửa Phật. Rất nhiều lần nhà chùa đề nghị chính quyền địa phương can thiệp nhưng đến nay tình hình vẫn không được cải thiện”, theo thông tin của báo Lao động thủ đô.

Cảnh tượng nhộn nhịp trước cổng chùa Thái Cam (Ảnh: Báo Giáo dục)

Chùa Thái Cam (44 Hàng Vải) cũng chung “số phận”. Những cửa hàng bán thang tre dựng vào mái chùa khiến những viên ngói đã mục nát nay có nguy cơ lung lay, rơi vỡ. Quán nước, quán cắt tóc cũng mọc lên và ngang nhiên phục vụ khách ngồi uống nước giữa cổng chùa. Thậm chí ngay cả lối vào bên trong khuôn viên chùa cũng bị một hộ gia đình biến thành nơi bán nước. Cảnh mua bán, ăn uống diễn ra hỗn loạn.

Là một trong tứ quán linh thiêng của kinh thành Thăng Long xưa, vừa là nơi thờ Phật, vừa là đền thờ Mẫu được nhà nước xếp hạng nhưng quán chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai) đã bị xâm phạm bởi cảnh bán buôn huyên náo từ các cửa hàng chợ Đồng Xuân. Người dân xung quanh dựng tôn xanh, gắn vào hai bên tường chùa để treo biển cũng các các loại hàng hoá. Mặt tiền thì bị chiếm dụng làm bãi gửi xe với giá chặt chém. Nhìn từ xa, ẩn sau những tấm bạt, ô che mưa nắng cùng đường dây điện chằng chịt, Quán Chùa Huyền Thiên như đang bị người ta cố tình “lãng quên”.

Đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm được chọn làm Trung tâm thông tin di sản Phố cổ, là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa dân gian để quảng bá và giới thiệu hình ảnh Phố cổ với du khách. Nhưng hiện nay, trước cổng đền tình trạng gửi xe trái phép chặn ngay mặt tiền, chếch bên là tủ bán bánh mì lưu động như “nuốt chửng” một không gian văn hóa.

Tình trạng bán hàng, gửi xe trái phép xảy ra trước cổng đền (Nguồn: internet)

Những ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội như: chùa Hà (phố Chùa Hà), chùa Láng (phố Chùa Láng), chùa Bộc (phố Chùa Bộc) cũng bị những hàng ăn, quán xá án ngữ. Chủ quán luôn chỉ cho khách chỗ dựng xe là… cổng chùa - bãi đậu xe di động miễn phí.

Như Người lao động đưa tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, trong số 2.000 di tích được xếp hạng ở thủ đô, có hơn 400 di tích bị xâm phạm nghiêm trọng và hàng trăm di tích đình, chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa bị lấn chiếm. Đó còn chưa kể có nhiều nơi, các hạng mục bị thay đổi và phá hủy một cách không thương tiếc.

Trả lại bình yên cho di tích

Là di sản cha ông để lại, là giá trị không thể tách rời của Hà Nội nghìn năm, nhưng vì sao di tích vẫn bị những hoạt động trần tục xâm lấn năm này qua năm khác mà không thể giải quyết triệt để? Vì sao tiếng kêu cứu của đền, chùa vẫn vô vọng nơi trần thế? Dù luật định thì đầy đủ nhưng việc thực hiện vẫn bất cập. Đó là một thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng đến những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc và làm xấu đi hình ảnh các Di tích lịch sử quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.

Cổng đền Thanh Hà trở thành không gian của một quán Bún (Ảnh: báo Giáo dục)

Một trong các nguyên nhân khiến đền, chùa ở Hà Nội bị xâm lấn là do mật độ dân cư quá cao. Đặc biệt với khu vực phố cổ, mật độ dân số tĩnh là 800-1.200 người/ha, diện tích sử dụng đất trung bình là 4-6m2/người, thậm chí có phường chỉ đạt 2m2/người. Đó là chưa tính đến mật độ cư trú của số người lao động, buôn bán, hàng rong, khách du lịch... Vì vậy, việc người dân “nhắm mắt”, “chen chân” vào không gian tôn nghiêm của đền, chùa để phục vụ mưu sinh cũng không phải chuyện khó hiểu.

Cùng với đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng chưa quyết liệt, mạnh tay trong xử lý vi phạm dẫn đến tình trạng này không được xử lý dứt điểm. Nhưng nói cho cùng, ý thức của người dân vẫn là yếu tố quyết định. Như Petrotimes đưa tin, Giáo sư Trần Lâm Biền (Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Trước hết xuất phát từ tín ngưỡng, các di tích bị xâm lấn ít nhiều đã bị rải thiêng và giá trị văn hóa của nó hầu như ít được quan tâm. Nếu như di tích được xếp hạng thì giá trị văn hóa đó được xác nhận và người ta phải tôn trọng giá trị ấy theo pháp luật. Một khi những người ấy lơ là việc tâm linh mà chú ý nhiều đến vấn đề kinh tế thì đó là kẽ hở lớn nhất để cho sự xâm lấn. Bởi chính quyền không phải lúc nào cũng có ở đấy để họ thực thi pháp luật.” Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân thủ đô để họ tự nguyện trân trọng, bảo vệ di tích.

Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần mạnh tay dứt khoát trong kiểm tra quản lý, xử lý nghiêm vi phạm để sớm trả lại cho các di tích lịch sử không gian thanh tịnh, tôn nghiêm như vốn có.

Luật di sản văn hóa năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ các di tích như sau: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá - thông tin nơi gần nhất”.

Theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá thì hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa hoặc hành vi xây dựng trái phép trong các khu vực bảo vệ di tích văn hóa sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Xem thêm >>>

Bói dạo tung hoành chốn đền chùa đầu năm: bao giờ hết nạn?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương tại Khu Di tích Kim Liên

 
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang