Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra VKSNDTC

08/11/2016 05:01

(kiemsat.vn)
– Chiều 7/11/2016, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ủng hộ việc trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra VKSNDTC

Bốn lý do trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra VKSNDTC

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh tỉnh Bình Dương đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Công văn số 2621 ngày 28/10/2016 của Bộ Công an. Bên cạnh đó, ông đưa ra quan điểm về đối tượng hay lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 17, Điều 26, Điều 51 của dự thảo luật.

ĐBQH Nguyễn Văn Khánh – Bình Dương: trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết
ĐBQH Nguyễn Văn Khánh – Bình Dương: trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cần thiết

Ông cho biết: “Tại Khoản 1 Điều 17, Điều 51 dự thảo Luật đã quy định đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ có cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh có nêu: Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 26 dự thảo luật chưa quy định cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị vũ khí thô sơ. Về vấn đề này, tôi đề nghị dự thảo luật bổ sung cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ với bốn lý do sau:

Một, theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 thì cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Đây là tội phạm đặc biệt cả về chủ thể thực hiện tội phạm, cả về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, những người phạm tội thuộc lĩnh vực này có thủ đoạn rất tinh vi, tính chất chống đối quyết liệt.

Hai, các đối tượng phạm tội thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân tối cao hầu hết được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, khi phạm tội họ có thể dùng trang bị này để chống đối hoạt động điều tra, sẽ rất nguy hiểm cho lực lượng điều tra khi không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Ba, thực tiễn những năm gần đây tình hình tội phạm thuộc nhóm tội phạm này diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng. Theo quy định của pháp luật thì cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra các tội phạm mở rộng hơn trước, từ 24 tội lên 38 tội danh, đối tượng, phạm vi điều tra cũng được mở rộng, gồm cán bộ thuộc cơ quan tư pháp và cả người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, như công an cấp xã, người bào chữa, người dịch thuật, v.v…

Bốn, mô hình tổ chức công an điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ tổ chức ở cấp Trung ương nên địa bàn hoạt động điều tra rất rộng trên phạm vi cả nước. Để đảm bảo sự an toàn khi gặp phải sự chống trả quyết liệt, khó lường của người phạm tội và các đối tượng có liên quan, do đó lực lượng này phải được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ để truy bắt tội phạm, bảo vệ chứng cứ, bảo vệ hiện trường hoặc tấn công trong những trường hợp thực sự cần thiết.

Quy định về nổ súng làm “nóng” Hội trường

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Nghệ An đưa ra quan điểm căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm và tính chất quan trọng của đối tượng bị xâm phạm, cần thiết phải cho phép người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm. Nếu phòng vệ muộn sẽ gây hậu quả khôn lường. Theo đó, các hành vi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công đối tượng cảnh vệ, để khủng bố, cướp chính quyền, cướp phá trại giam, bắt cóc con tin, tội phạm ma túy có vũ trang cần thiết phải phòng vệ sớm để tiêu diệt đối tượng.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Cần thiết cho phép người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Cần thiết cho phép người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Thành phố Hà Nội lại tỏ ra quan ngại và cần phải được quy định chặt chẽ và cụ thể nếu không rất dễ bị lạm quyền khi nổ súng và người được phép sử dụng vũ khí sẽ vô tình bị phạm tội do vượt quá giới hạn cho phép. Qua nghiên cứu điều luật này chúng tôi thấy việc xây dựng theo hướng liệt kê các tình huống được phép nổ súng, đối tượng mà người thi hành công vụ được phép nổ súng còn bộc lộ nhiều bất cập, còn thiếu, có những nội dung còn trừu tượng, chưa được chi tiết và chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, tại Khoản 2, Điều 21 nguyên tắc nổ súng quy định không được phép nổ súng vào đối tượng khi biết rõ là phụ nữ. Điều này mâu thuẫn với quy định của pháp luật về bình đẳng giới, mọi công dân có quyền bình đẳng theo pháp luật. Ví dụ, tại Điểm đ, Khoản 2 quy định trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do nổ súng gây ra. Đây là quy định rất khó hiểu, vì bảo vệ lợi ích của mình, của người khác mà người thi hành công vụ buộc phải nổ súng để ngăn chặn hành vi nguy hiểm do người khác gây ra, có thể gây thiệt hại về thương tích hoặc có thể gây chết người hoặc gây thiệt hại khác và không thể hạn chế được thiệt hại khi đối tượng đang tấn công quyết liệt.

Đại biểu Trần Hồng Hà – Vĩnh Phúc lại đề nghị cần bổ sung quy định rõ về nổ súng để phân biệt với trường hợp cảnh báo là bắn chỉ thiên, vì bản chất bắn chỉ thiên cũng là nổ súng. Theo tôi, nên bổ sung quy định về nổ súng như sau: nổ súng là việc được phép bắn vào đối tượng hoặc phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, sau khi đã cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 21 hoặc trong những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo quy định tại Khoản 4, Điều 21.

Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí; quản lý, sử dụng vật liệu nổ; quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang