Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ

22/08/2018 07:56

(kiemsat.vn)
Người lao động của doanh nghiệp đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Đây là quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến.

Cụ thể, tại Điều 9 dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất, các đơn vị phải cấp trang phục tự thiết kế cho người lao động. Trên trang phục phải có tên doanh nghiệp, đồng thời các đơn vị phải công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh. 

Người lao động của doanh nghiệp đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan. Khi những nhân viên này kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp.

Dự thảo cũng nêu rõ, nếu doanh nghiệp vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên sẽ bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về vi phạm liên quan đến trang phục của hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

Đề xuất nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ từng được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định năm 2016. Tuy nhiên đến khi xin ý kiến năm 2017, Bộ Tài chính lại bỏ điều kiện trên sau khi tiếp thu ý kiến của các cơ quan. Nhưng đến nay nội dung này lại được đưa vào Dự thảo.

Giải trình cho quy định này trong Tờ trình đi kèm dự thảo, Bộ tài chính cho biết: kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh khá nhạy cảm. Do đó, việc quy định về trang phục cho người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, qua đó hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối; đồng thời giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ như một ngành nghề hợp pháp; tạo yên tâm cho tổ chức, cá nhân khách nợ khi tiếp xúc, làm việc với những nhân viên đòi nợ có mang trang phục. Việc quy định về trang phục còn thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo lần này đã bỏ điều khoản chủ nợ và khách nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật gây ra so với quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất vốn điều lệ tối thiểu đối với công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỉ đồng thay vì vốn pháp định như trước (vốn tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp). Đồng thời, giữ nguyên điều kiện về tiêu chuẩn đối với nhân viên đòi nợ phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Riêng giám đốc công ty đòi nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.

Xem thêm>>>

Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải có trình độ học vấn đại học trở lên

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang