Năm 2018, ngành Kiểm sát nhân dân đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội

13/11/2018 11:28

(kiemsat.vn)
Sáng nay (13/11), báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết toàn ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao, năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017, trong đó: tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%. Một số nhóm tội về xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm, tuy nhiên tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm cao hơn, gây thiệt hại lớn cho xã hội; phát hiện khởi tố điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao; đã phát hiện, khởi tố nhiều vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng. Hoạt động của các cơ quan tư pháp cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật. Các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, tính chất phức tạp hơn; có những vấn đề mới phát sinh mà chính sách và quy định pháp luật chưa theo kịp trong quản lý, xử lý.

Trước tình hình đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu của Quốc hội giao:

Trong Chỉ thị công tác năm 2018 đã xác định 04 mục tiêu và 03 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm những quy định mới của pháp luật, nhất là những quy định nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia 07 hoạt động điều tra (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, khám xét...) và thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp, như: Tăng cường kiểm sát ngay từ đầu quá trình tố tụng, phải hỏi cung trước khi quyết định truy tố và nhất là khi bị can kêu oan, sai hoặc phát hiện hoạt động điều tra vi phạm pháp luật...; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các thủ tục tố tụng và tham gia đầy đủ các phiên tòa dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; đẩy mạnh công tác kháng nghị, kiến nghị trong lĩnh vực này.

Đổi mới công tác cán bộ, tập trung nâng chất lượng đội ngũ cán bộ nhất là người đứng đầu các đơn vị; thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động, biệt phái Kiểm sát viên; yêu cầu đánh giá công chức trên cơ sở thành tích, sản phẩm cụ thể, có định lượng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác nghiệp vụ; có kế hoạch phân công, điều chỉnh, bố trí nhân sự một cách hợp lý trong toàn Ngành, để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có; đổi mới công tác quy hoạch; công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn, tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, như: kỹ năng hỏi cung, tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên, tập huấn kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ mới của luật…

Đẩy mạnh công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật: Đã ban hành 02 chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng, tổ chức thi hành các luật; phối hợp xây dựng, chỉnh lý 14 dự án luật; chủ trì ban hành 06 thông tư liên tịch; tổ chức hơn 200 hội nghị, hội thảo; tham gia xây dựng 51 văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật; ban hành gần 2.000 bản thông báo rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ; sửa đổi, ban hành 38 quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ nhằm bảo đảm các hoạt động nghiệp vụ tuân thủ đúng trình tự, thủ tục và nội dung quy định mới của pháp luật.

Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong các lĩnh vực công tác; kiện toàn tổ chức, coi trọng công tác thanh tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về nghiệp vụ và yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tự thanh tra, kiểm tra để chủ động khắc phục sai phạm. Đã hoàn thành hơn 3.500 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót và đã xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm (kể cả xử lý hình sự) để phòng ngừa và giáo dục chung. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn đảng và cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành; gắn xây dựng Ngành với công tác xây dựng Đảng, trong đánh giá cán bộ, đảng viên xác định không thể có đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhiệm vụ chuyên môn không tốt được.

Là cơ quan đầu mối cấp trung ương trong tham mưu đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, trong năm 2018 VKSND tối cao được ủy quyền của Chủ tịch nước đã ký 01 hiệp định, chuẩn bị ký 02 hiệp định, đang tiến hành đàm phán 09 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước nhằm góp phần xây dựng cơ sở pháp lý trong phối hợp đấu tranh chống tội phạm quốc tế và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp: Yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp luôn tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy; chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp trong thực hiện chức năng nhiệm vụ; tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tư pháp, nhất là trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp; phối hợp hiệu quả hơn trong công tác đào tạo, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ, như: Đã lựa chọn, tổ chức hơn 8.600 phiên tòa để cán bộ ngành Kiểm sát, Tòa án học hỏi, rút kinh nghiệm.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí

Kết quả công tác VKSND đã đạt được:

Một là, trách nhiệm công tố được tăng cường; chất lượng hoạt động điều tra, truy tố án hình sự tiếp tục được nâng lên. Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Thông qua đó, đã yêu cầu khởi tố hơn 665 vụ án (tăng 31,2%); trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 17 vụ án; trực tiếp khởi tố 17 bị can (tăng 200%); Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử được nâng cao, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; do đó, các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử tiếp tục giảm dần. Cụ thể: tỷ lệ số người bị bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 97,54% (tăng 0,2%); tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra giảm 1,2%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99% (vượt 9,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội); tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu của Quốc hội); số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 44,4%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 50%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận vượt 7,9%, kháng nghị giám đốc thẩm (vượt 6,4% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

Hai là, Tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế. Số vụ án được phát hiện, khởi tố tăng 32,2%, đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, được Đảng và nhân dân ghi nhận. Theo đó, vai trò, trách nhiệm công tố của VKSND được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi, xác định tội danh, thu hồi tài sản hàng ngàn tỷ đồng cho Nhà nước.

Ba là, công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có chuyển biến rõ nét về chất. Đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 03 vụ án “Dùng nhục hình” dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%. Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 01 tỷ đồng. Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.

Bốn là, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Thông qua kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát đã ban hành hơn 14.000 kháng nghị, kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, tăng 2,5%. Số kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính tăng 2,3%, tỷ lệ được chấp nhận vượt 15,2% so với chỉ tiêu Quốc hội; số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 16,2%. Tỷ lệ kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp được chấp nhận vượt 19,8% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Năm là, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt 90,5%; đã hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp; thông qua trực tiếp đối thoại, đã giải quyết dứt điểm nhiều khiếu kiện bức xúc, kéo dài của công dân. Chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bảo đảm; đã giải quyết hơn 9.300 đơn, đạt 43,2% (đạt tỷ lệ 66,3% trên tổng số việc Viện kiểm sát có hồ sơ để giải quyết), qua đó ban hành 399 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 8,7%.  

Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả tích cực, nhưng Viện trưởng VKSND tối cao thừa nhận vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do nhiều lý do khách quan, chủ quan, có những vấn đề chưa thể khắc phục ngay được là do một số quy định mới của pháp luật chậm được hướng dẫn thi hành; nhiều nhiệm vụ được tăng thêm theo quy định của pháp luật nhưng Viện kiểm sát các cấp còn thiếu biên chế, chưa đủ cán bộ có chức danh tư pháp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; quan hệ phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp ở một số nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả...

Một số kiến nghị của Viện trưởng VKSND tối cao:

Thứ nhất, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản giải thích, hướng dẫn thực hiện Bộ luật hình sự và các nghị quyết của Quốc hội. Đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp; tạo cơ chế pháp luật mạnh hơn trong thu hồi tài sản cho Nhà nước thông qua các biện pháp tố tụng đặc biệt.

Thứ hai, quan tâm chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung một số dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn cho ngành Kiểm sát giai đoạn 2016-2020, bảo đảm việc triển khai các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp bổ sung vốn đầu tư theo Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 05/6/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Xem thêm>>>

 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Ngành Kiểm sát nhân dân: Chuyển biến tích cực trong giải quyết án về tham nhũng, kinh tế

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang