Một số kinh nghiệm trình bày luận tội

26/03/2018 14:17

(kiemsat.vn)
Luận tội là một nhiệm vụ quan trọng của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, nhằm bảo vệ quan điểm truy tố của VKSND. Vì vậy, trước phiên tòa, Kiểm sát viên phải chuẩn bị thật kỹ.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Vì vậy, tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần phải thận trọng sửa chữa, bổ sung dự thảo luận tội cho đầy đủ, chính xác theo những phát sinh, diễn biến thực tế. khi trình bày luận tội thì cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm của Kiểm sát viên phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Từ thực tiễn công tác, theo chúng tôi, Kiểm sát viên khi trình bày luận tội tại phiên tòa cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, luận tội phải đúng, đầy đủ các nội dung, yêu cầu tại Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ hai, thực hiện đúng Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa:

Thái độ và cách xưng hô của Kiểm sát viên về bản thân, đối với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người tham gia phiên tòa phải đúng Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án (Ban hành theo quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). Theo đó, khi trình bày luận tội, Kiểm sát viên:

- Phải xưng hô đúng quy tắc: Đối với Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên sử dụng cụm từ thưa Hội đồng xét xử; Đối với bị cáo là cá nhân, Kiểm sát viên sử dụng từ “Bị cáo” hoặc “Bị cáo” cùng với tên hoặc họ tên của bị cáo…

- Phải đứng đúng tư thế.

- Cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của Kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực. Tiếng nói vừa đủ nghe, không quá nhanh, không quá chậm. Ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, nói lắp.

Thứ ba, về lời nói khi luận tội:

Không nên đọc nguyên văn bản dự thảo luận tội đã chuẩn bị trước, mà Kiểm sát viên chỉ nên xem dự thảo luận tội là văn bản hỗ trợ khi quên nội dung hoặc trình tự vấn đề cần trình bày, khi cần đọc nguyên văn quy định của pháp luật… Thay vào đó, Kiểm sát viên phải sử dụng phương pháp nói có sức truyền cảm, lôi cuốn làm cho người nghe cảm thấy dễ hiểu. Kiểm sát viên phải biết cách điều khiển giọng nói của mình. Lúc thì nên nói giọng trầm, lúc phải nói giọng cao khi muốn truyền tải các cảm xúc khác nhau như: phê phán, thương tiếc… Nếu không thay đổi âm vực giọng nói, sẽ gây nhàm chán cho người nghe. Tùy nơi tiến hành xét xử mà Kiểm sát viên điều chỉnh âm lượng giọng nói cho phù hợp, tránh nói quá to hoặc quá nhỏ.

Thứ tư, trình bày ngắn gọn, rõ ràng và thiết thực

Kiểm sát viên trình bày luận tội phải rõ ràng, ngắn gọn, có đầu có đuôi, dùng từ ngữ phải thật chính xác, đúng nghĩa. Tránh sử dụng những từ đệm vô nghĩa…

Trình bày phải thiết thực, “nói có sách mách có chứng”, tức là nói về tình tiết, sự việc gì, cần sử dụng chứng cứ đúng, đầy đủ để chứng minh.

Thứ năm, sử dụng ngôn ngữ không lời đúng lúc, đúng ý nghĩa

Ngôn ngữ không lời như ánh mắt, cử chỉ, biểu cảm có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho lời trình bày của Kiểm sát viên nếu biết sử dụng đúng lúc, đúng mực, đúng ý nghĩa của nó. Theo chúng tôi, khi trình bày luận tội tại phiên tòa, Kiểm sát viên:

- phải đứng thẳng người, động tác tay phải phù hợp với ý nghĩa câu nói của Kiểm sát viên.

- Khi trình bày, ánh mắt phải hướng vào đối tượng được đề cập đến. Chẳng hạn: đề nghị với Hội đồng xét xử vấn đề gì, ánh mắt của Kiểm sát viên phải hướng về phía Hội đồng xét xử; nếu nói với Hội đồng xét xử mà Kiểm sát viên lại nhìn đi chỗ khác, là không đúng.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang