Mối lo bạo hành học sinh đến từ giáo viên

18/09/2017 03:59

(kiemsat.vn)
– Bạo lực học đường những năm gần đây làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Bạo hành học đường đâu chỉ diễn ra giữa học sinh, mà xảy ra bởi những người được xã hội tôn vinh là “mẹ hiền”, đó là hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh.

Mối lo bạo hành đến từ giáo viên

Làm sao để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” (ảnh internet)

Trong niềm vui hân hoan của các em học sinh bước vào năm học mới, chúng ta không thể không nhắc đến những góc tối của giáo dục. Tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bạo hành học sinh vẫn còn xảy ra trong thời gian gần đây. Sỉ nhục, lăng mạ học sinh trước lớp, ăn chậm, không nghe lời giáo viên, không chịu đi vệ sinh bị đánh… vẫn tái diễn ở trường học hiện nay, khiến nhiều em rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi khi đến trường.

Còn nhớ, trên Báo Vietnamnet, ngày 17/4/2017, Trần Thị Mai, phụ huynh của bé T.L.N (4 tuổi) ở Hà Tĩnh viết lên Facebook cá nhân tố cáo cô Thảo, giáo viên chủ nhiệm dùng điện thoại đánh lên đầu con trai mình, gây sưng vù, dẫn đến nôn sau khi ăn. Ngày 9/9/2017 trên mạng xã hội lan truyền thông tin cô Vinh, giáo viên lớp 2A trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) bắt học sinh đứng trước lớp, dùng thước kẻ 20 cm đánh tím chân mặc nam sinh gào khóc vì lí do vào lớp muộn.

Dọa học sinh trong lớp (ảnh minh họa)

Dọa học sinh trong lớp (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Sau hàng loạt vụ việc, hẩu hết các giáo viên đều nhận trách nhiệm. Nhưng kèm theo đó là lời ngụy biện nghe không mấy “thấu tình đạt lý” như là do còn trẻ, do căng thẳng, bức xức, do không kiềm chế được cảm xúc hoặc phạt như thế để “học sinh cố gắng”, là hình thức kỉ luật thích đáng cho học sinh. Nhiều nhà trường bênh vực giáo viên của mình bằng cách bao biện “đó chỉ là hành động bồng bột, thiếu kiểm soát”, “vì giáo viên còn trẻ nên chưa có kinh nghiệm”.

Xưa nay, ngành Giáo dục Việt Nam không chấp nhận việc đánh học sinh, quy định là vậy, nhưng nghề “gõ đầu trẻ” đang xảy ra theo đúng nghĩa của hình tượng ẩn dụ này có phải do sự giám sát và xử lý không chặt chẽ của ngành Giáo dục?

Phải chăng đây là hệ lụy từ việc giáo viên quá chú trọng vào khâu bài vở, không chú tâm vào kĩ năng xã hội nhiều nên không có kĩ năng ứng phó với các tình huống khủng hoảng của học sinh. Hay là tình thương đối với học sinh chưa đủ lớn. Giáo viên dùng đến bạo lực chứng tỏ họ đã bất lực. Có nghĩa là họ không có phương pháp, không có năng lực sư phạm, không đủ tình thương và lòng nhân ái đối với học trò.

Thiết nghĩ, lãnh đạo ngành Giáo dục nên nghiêm túc rút kinh nghiệm, tăng cường các hoạt động kiểm tra, quản lý các trường học; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên có nghiệp vụ sư phạm tốt, phẩm chất đạo đức tốt để hạn chế đến mức thấp nhất “bạo hành” học sinh, không để xảy ra rồi mới kiểm điểm, kỷ luật, cảnh cáo, rút kinh nghiệm…

Mối lo bạo hành đến từ giáo viên

Nghề giáo là nghề đáng được tôn vinh (ảnh internet)

Hành vi giáo viên dùng vũ lực để “dạy dỗ” học sinh không chỉ vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mà còn vi phạm các quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật liên quan. Hành vi bạo hành học sinh, xét về mặt pháp lý, sẽ phạm vào tội Hành hạ người khác theo quy định của Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên, đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1.  Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

Đan Thanh

(tổng hợp)

Vụ người giúp việc bạo hành bé sơ sinh: Công an phối hợp với VKS điều tra

Xác nhận với PV Báo điện tử Infonet, ông Lê Đức Tùng – Trưởng Công an TP Phủ lý (tỉnh Hà Nam) cho biết: “Chúng tôi đã mời bà giúp việc có hành vi bạo hành cháu bé đến cơ quan Công an để tiến hành điều tra làm rõ về vụ việc rồi”.

Điểm mới của tội Cố ý gây thương tích theo quy định của BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) - So với quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 thì quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đã rõ ràng cụ thể hơn.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang