Lưu ý khi phúc tra kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

17/03/2017 10:48

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, từ năm 2015, theo Hướng dẫn số 20/HD-VKSTC-V4, công tác phúc tra kháng nghị, kiến nghị trong hoạt động kiểm sát được thực hiện.

Để thực hiện có hiệu quả công tác này, VKSND các địa phương cần lưu ý một số vấn đề sau:

Đối tượng của công tác phúc tra là việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam, Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự hai cấp (tỉnh, huyện) và Ủy ban nhân dân cấp xã.

Phương thức thực hiện phúc tra được tiến hành bằng 02 biện pháp trực tiếp và gián tiếp; căn cứ vào tình hình, chỉ tiêu phúc tra mà VKSND địa phương tự lựa chọn phương thức cho phù hợp. Trực tiếp phúc tra là trực tiếp tiến hành kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị đã ban hành của kỳ kiểm sát trước (kết hợp phúc tra trong các đợt kiểm sát theo định kỳ hoặc đột xuất). Gián tiếp phúc tra là yêu cầu đơn vị được phúc tra tự kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện kháng nghị, kiến nghị do Viện kiểm sát đã ban hành khi xét thấy không cần thiết phải tiến hành phúc tra trực tiếp. Cần lưu ý, đối với các kháng nghị, kiến nghị riêng (không trong kết luận kiểm sát) phải được theo dõi, quản lý đầy đủ việc tiếp thu, thực hiện kháng nghị, kiến nghị. Trong thời hạn luật định, đơn vị hữu quan chưa có văn bản trả lời tiếp thu việc thực hiện kháng nghị, VKSND cấp tỉnh và huyện có thể phúc tra trực tiếp theo thẩm quyền bằng cuộc phúc tra riêng hoặc yêu cầu tự kiểm tra, báo cáo.

Kết thúc phúc tra, Viện kiểm sát phải ban hành Kết luận bằng văn bản, trong trường hợp phúc tra được kết hợp với các cuộc kiểm sát định kỳ thì nội dung, kết quả phúc tra được nêu trong Kết luận kiểm sát, trong đó nêu rõ những nội dung kháng nghị, kiến nghị đã được thực hiện; những nội dung kháng nghị kiến nghị chưa thực hiện; nguyên nhân, lý do chưa thực hiện; đề ra yêu cầu tiếp tục thực hiện và kiến nghị xử lý đối với tập thể cá nhân có vi phạm (nếu có). Kết luận được gửi đến cơ quan được phúc tra để thực hiện; gửi đến cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị được phúc tra để biết, chỉ đạo và gửi đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để quản lý tình hình, tổng hợp, chỉ đạo. Đồng thời, việc phúc tra phải được lập thành hồ sơ, sổ sách để theo dõi, quản lý.

VKSND cấp dưới không tiến hành công tác phúc tra kháng nghị, kiến nghị do VKS cấp trên ban hành. Trong trường hợp cần thiết, VKSND cấp trên có thể tiến hành phúc tra việc thực hiện các nội dung đã kháng nghị, kiến nghị của VKSND cấp dưới.

Công tác phúc tra được xác định là một trong những nội dung cơ bản được xây dựng trong Chương trình và Kế hoạch công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự hàng năm của VKSND các cấp.

Đặng Văn Thụ /Phòng 8,

theo VKSND tỉnh Bắc Giang

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang