Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

05/05/2017 04:40

(kiemsat.vn)
– Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát các biện pháp bảo đảm thi hành án, cần lưu ý là bắt buộc Chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án phải ban hành quyết định đối với biện pháp bảo đảm thi hành án đó.

Trường hợp Chấp hành viên ban hành công văn thì Viện kiểm sát phải kiến nghị yêu cầu Chấp hành viên thu hồi và ban hành quyết định đối với biện pháp bảo đảm. Thông qua công tác kiểm sát, hiện nay rất nhiều Cơ quan Thi hành án dân sự có tình trạng Chấp hành viên chỉ ban hành công văn gửi các đơn vị có liên quan để áp dụng biện pháp bảo đảm (như: Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu cho văn phòng đăng ký sử dụng đất; tạm dừng việc đăng ký, chuyển sở hữu tài sản cho Phòng Cảnh sát giao thông…), tuy nhiên, có đơn vị thực hiện, có đơn vị không thực hiện dẫn tới việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản gây khó khăn trong việc thu hồi tài sản thi hành án.

Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm: Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi, giữ; Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự; Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Căn cứ khi tiến hành kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm

– Nếu do Chấp hành viên tự quyết định cần xem xét căn cứ nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; nếu người phải thi hành án có hành vi, dấu hiệu việc tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án và tình hình thực tế để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm có phù hợp hay không.

– Nếu do yêu cầu của đương sự cần xem xét trách nhiệm của đương sự trong việc yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

– Việc áp dụng biện pháp bảo đảm phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí cần thiết.

– Trường hợp người phải thi hành án tự nguyện đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án, các chi phí liên quan thì Chấp hành viên lập biên bản giải thích cho họ về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Người phải thi hành án bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án và không áp dụng biện pháp bảo đảm.

Kỹ năng kiểm sát trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm

Trước hết, Kiểm sát viên cần xem xét kỹ nội dung bản án, quyết định làm căn cứ ban hành quyết định thi hành án (nội dung đơn yêu cầu có phù hợp với bản án, quyết định; quyết định thi hành án có phù hợp với bản án, quyết định, đơn yêu cầu).

Tiếp theo, xem xét thời hiệu của bản án, quyết định; thời hiệu ra quyết định thi hành án.

Trong thời gian tự nguyện thi hành án (thời hạn 10 ngày kể từ ngày tống đạt hợp lệ quyết định Thi hành án (THA)) không được áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trừ trường hợp được quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi, bổ sung năm 2014 về thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm phải được gửi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đúng quy định.

Kỹ năng kiểm sát bảo đảm thi hành án bằng biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

Người phải thi hành án phải có tài khoản, tài sản gửi, giữ.

Quyết định phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa; trường hợp cần phong tỏa ngay mà chưa ban hành quyết định thì Chấp hành viên phải lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản phải ra quyết định và phải gửi ngay biên bản, quyết định cho VKSND cùng cấp.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa.

Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên giao quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ cho người đại diện theo pháp luật của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao quyết định; biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì phải có chữ ký của người chứng kiến; quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được ban hành sau khi Chấp hành viên lập biên bản phong tỏa theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật THADS phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản đã bị phong tỏa.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó; người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

Chấp hành viên có trách nhiệm bảo mật các thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp bảo đảm khi được Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản cung cấp.

Kỹ năng kiểm sát bảo đảm thi hành án bằng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Quyết định phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì phải lập biên bản về việc tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ. Trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng.

Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ; trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.

– Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải ghi rõ tên người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ; loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; tài sản tạm giữ là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền; tài sản tạm giữ là kim khí quý, đá quý phải niêm phong trước mặt người bị tạm giữ tài sản hoặc thân nhân của họ. Trường hợp người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc thân nhân của họ không đồng ý chứng kiến việc niêm phong thì phải có mặt của người làm chứng. Trên niêm phong phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng và các đặc điểm khác của tài sản đã niêm phong, có chữ ký của Chấp hành viên, người bị tạm giữ hoặc thân nhân của họ hoặc người làm chứng (ghi vào biên bản tạm giữ tài sản); tài sản, giấy tờ tạm giữ được bảo quản theo quy định tại Điều 58 Luật THADS.

Khi trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ, Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận xuất trình các giấy tờ chứng minh là người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc là người được người đó ủy quyền; Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của thủ kho Cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được giao bảo quản; việc trả lại tài sản, giấy tờ phải lập thành biên bản.

Trường hợp trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ mà đương sự không nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 126 Luật THADS.

Kỹ năng kiểm sát bảo đảm thi hành án bằng biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

Việc ban hành quyết định nhằm bảo đảm thi hành án phải có căn cứ, đúng pháp luật, tránh hiện trạng lạm quyền, dẫn đến thiệt hại cho các đương sự và vi phạm của Chấp hành viên trong việc ban hành quyết định trái pháp luật cần phải xử lý hình sự.

– Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản; trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.

– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

– Kể từ thời điểm nhận được quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, cơ quan đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được thực hiện việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi nhận được quyết định của Chấp hành viên về chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

(Trích bài viết “Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự” của đồng chí Đặng Ngọc Dư – Phó Vụ trưởng Vụ 11, VKSND tối cao, TCKS số: 22/2016).

Mời quý vị đón đọc bài tiếp theo:

Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.

Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự  

(Kiemsat.vn) – Kỹ năng kiểm sát việc lập kế hoạch, kiểm sát chi phí, kiểm sát việc xử lý tài sản chung là những nội dung quan trọng nhất trong kiểm sát cưỡng chế thi hành án

Thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2017: Đã “giải phóng” gần 17 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế

Năm 2017 là năm thứ hai đất nước ta thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đây cũng là năm Bộ Tư pháp, Hệ thống THADS tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang