Kinh tế Việt Nam sẽ biến động ra sao trong năm 2017?

13/02/2017 05:20

(kiemsat.vn)
Theo chuyên gia kinh tế, để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% như Chính phủ đề ra, phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn 4%, đặc biệt là cần kỷ luật tài chính, tài khóa, kiểm soát chi phí và nợ công.

Ngày 13/02, PV Kiemsat.vn đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu, dự báo những sự biến động của nền kinh tế trong năm 2017.

Thưa ông, là Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông có nhận định gì về tình hình kinh tế, tài chính khoảng thời gian trong và sau Tết Nguyên đán?

Thời điểm trước Tết Nguyên đán, nền kinh tế (KT) có sự ổn định nhất định trên tất cả các thị trường, bao gồm vàng, ngoại hối, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Tuy nhiên, sau Tết, thị trường vàng có sự biến động; thị trường ngoại hối giá USD tăng nhưng không đến mức báo động; thị trường bất động sản (BĐS) chưa có dấu hiệu phát triển mạnh hoặc đi vào suy thoái; thị trường chứng khoán tăng điểm nhẹ; trong khi đó, một vài ngân hàng nhỏ cùng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi, còn các ngân hàng lớn thì giữ nguyên lãi suất huy động.

Sự ổn định sau Tết này có thể sẽ không giữ được lâu, bởi thời điểm này rất khó để dự báo được chính sách KT của Chính phủ Mỹ sẽ gây ra nhiều biến động ảnh hưởng đến nền KT toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trí Hiêu, để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% như Chính phủ đề ra, phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn 4%.

Dự báo môi trường kinh tế vĩ mô trong năm 2017 sẽ ra sao, thưa ông?

Trong năm 2017, dự báo nền KT thế giới sẽ có rất nhiều biến động trên các thị trường tài chính; quan hệ mậu dịch giữa Mỹ và các nước khu vực như liên minh Châu Âu, các nước Á Châu, Nam Mĩ; những bất ổn lớn trên các thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường ngoại hối và thị trường hàng hóa.

Nền KT Việt Nam với độ hội nhập sâu và ngày càng mở rộng không thể nào miễn nhiễm trước những biến động của nền KT thế giới. Chính vì thế, mọi thành phần KT nước ta kể cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân không nên chủ quan trước sự ổn định lúc này và cần chuẩn bị những kế hoạch để đối phó trước những biến động đó.

GDP dần tăng mỗi năm từ 2012 – 2015, trong đó, năm 2015, GDP tăng khoảng hơn 6,7%, nhưng năm 2016, GDP chỉ còn mức tăng 6,3%, nghĩa là mức độ tăng trưởng đã chậm lại.

Thời điểm giữa quý I vẫn còn quá sớm để dự báo nền KT trong nước, năm nay, Chính phủ muốn GDP tăng khoảng 6,7% nhưng không phải chuyện dễ nếu như không có những bước đột phá. Trong một kịch bản xấu, nền KT của Việt Nam thậm chí sẽ đi vào giai đoạn trì trệ với GDP năm nay có thể thấp hơn hay ngang bằng với 2016. Nhưng nếu muốn đối phó với trì trệ thì nền kinh tế tăng trưởng ở mức cao hơn 2016 và hệ thống ngân hàng phải đẩy một lượng tín dụng lớn vào nền KT dẫn đến nguy cơ làm tăng lạm phát. Điều này có nghĩa, chúng ta có thể phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn 4% (mức Chính phủ đề ra). Còn nếu muốn giữ lạm phát 4% phải chịu mức tăng trưởng thấp hơn 6,7%. Đạt được cả 02 mục tiêu cùng lúc cho năm 2017 quả là điều rất khó.

Có một thay đổi trong cách tính và công bố tỉ lệ lạm phát năm nay. Chỉ số lạm phát được tính theo mức bình quân của cả năm chứ không dựa trên hai thời điểm cuối năm này so với cuối năm trước. Với phương pháp này tỉ lệ lạm pháp 2016 là thấp hơn 4%, đây là tỉ lệ lạm phát hợp lý cho một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Nhưng đánh giá sự ổn định của nền KT qua chỉ số số học là không đủ, vấn đề lạm phát và sự ổn định KT phải được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau bao gồm chất lượng tăng trưởng, hiệu quả của việc sử dụng vốn của nền kinh tế, hiệu quả lao động, tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên các thị trường trên thế giới, chất lương đời sống của người dân và nhiều tiêu chí khác nữa. Việc dùng chỉ số bình quân của lạm phát chỉ là một trong những cách để quan sát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đánh giá mức độ lạm phát năm 2016 có chiều hướng tăng nhưng vẫn thấp hơn mức Quốc hội đề ra là 5%; để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% và mức lạm phát dưới 4% thì Chính phủ cần phải làm gì, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% như đã đề ra, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện 02 chính sách lớn là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Hai chính sách này phải hỗ trợ nhau: Kỷ luật tài khóa phải được xiết chặt để chính sách tiền tệ có thể phát huy được khả năng kiểm soát lạm phát. Nói một cách nôm na, Chính phủ phải chi tiêu chừng mực và hiệu quả thì NHNN mới kiểm soát được lạm phát. Tiếp đó, ngân hàng nhà nước phải hỗ trợ các ngân hàng qua việc “bơm” một lượng thanh khoản (tiền) thích hợp vào nền kinh tế để các ngân hàng có thể cho vay và hỗ trợ nền KT.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% của ngân hàng nhà nước năm 2017 là hơi cao nếu GDP đạt mức tăng 6,7%. Bởi sự tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở mức 2,5 lần trên tăng trưởng GDP. Nếu GDP tăng trưởng ở mức 6,7% thì tăng trưởng tín dụng nên ở mức 6,7% x 2,5 là 16,75%. Tăng trưởng tín dụng ở mức 18% là khá cao… Chính vì thế, nền KT muốn đạt mức tăng trên, có lẽ chúng ta phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn 4%.

Chính phủ cần kỷ luật tài chính, tài khóa, kiểm soát chi phí và nợ công.

Trở lại câu chuyện về chính sách tài khoá, Chính phủ phải kiểm soát được bội chi ngân sách nhà nước và nợ công. Trong lúc nợ công ở Việt Nam ngày càng tăng và bội chi ngân sách ngày càng lớn thì Chính phủ phải áp dụng kỷ luật tài khoá chặt chẽ, để kiểm soát chi phí công và đầu tư công, cùng với đó có kế hoạch để giảm nợ công trong 10 năm nữa.

Ông có thể chia sẻ những điểm mạnh và sự tồn tại trong nền kinh tế nước nhà hiện nay?

Nền KT việt nam không phải là nền KT thị trường hoàn hảo, với sự can thiệp rất lớn của nhà nước trong nền KT. Dĩ nhiên, sẽ có điểm lợi và không lợi.

Điểm lợi là Chính phủ kiểm soát được sự vận hành của nền KT, kiểm soát được tính ổn định, tỉ lệ lạm phát và sự lưu chuyển của dòng vốn trong nền KT, có nghĩa là chình phủ kiểm soát được cả hai nền kinh tế hàng hóa và nền kinh tế tiền tệ. Sự bất lợi là nền KT thị trường không được thể hiện hoàn hảo, các thành phần kinh tế không cạnh tranh tự do và lành mạnh, vì trong đó có vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước: Một mặt họ được nhận nhiều ưu đãi có thể làm méo mó nền KT thị trường, mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong số họ làm ăn thiếu hiệu quả gây ra chi phí lớn cho nền KT.

KT Việt Nam cần phải đi sâu vào một nền KT thị trường với sự giảm thiểu vai trò của nhà nước với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước phải được đẩy mạnh. Đó cũng là một phần quan trọng của kỷ luật tài khóa: Kiểm soát chi phí, nợ công và sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả.

Hệ thống tài chính cần chấn chỉnh mạnh mẽ hơn:

Thứ nhất, chấn chỉnh các ngân hàng đang trong tình trạng yếu kếm và một số ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Các ngân hàng này hiện đang là một gánh nặng cho NHNN vì hoạt động chưa hiệu quả và phải dựa vào sự trợ lực của các ngân hàng lớn được giao phó trách nhiệm làm “bà đỡ” cho các ngân hàng này. Các “ngân hàng 0 đồng” này cần phải được tái cơ cấu một cách mạnh mẽ qua việc sát nhập vào các ngân hàng lớn hay bán cho các nhà đầu tư nội trong năm nay.

Thứ hai, giải quyết các vấn đề nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, vấn đề lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, quản lý rủi ro của các ngân hàng cần phải được tăng cường. Đặc biệt, vấn đề lãnh đạo và vận hành phải được chấn chỉnh theo thông lệ quốc tế… Tái cơ cấu ở đây không có nghĩa chỉ là thay đổi mô hình tổ chức của ngân hàng về vốn, vận hành mà vấn đề chính là tư duy của các lãnh đạo ngân hàng cần thay đổi để loại trừ những tiêu cực, cần quan niệm ngân hàng là định chế tài chính của quốc gia, được quốc gia bảo vệ và phải phục vụ quyền lợi của nhân dân, chứ không thể xem ngân hàng là của mình, chỉ phục vụ lợi ích riêng.

Loan Bảo

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang