Kinh tế Việt Nam: Quyết liệt tăng tốc ngay từ ngày làm việc đầu năm

02/01/2018 07:56

Quyết liệt vào việc ngay từ những ngày đầu năm, đừng để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” - đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2017. Đây là chỉ đạo kịp thời trong bối cảnh nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đối với các ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện trong năm 2018, đòi hỏi tất cả phải vào cuộc ngay, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy th

Quyết liệt vào việc ngay từ những ngày đầu năm, đừng để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” - đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2017. Đây là chỉ đạo kịp thời trong bối cảnh nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đối với các ngành, lĩnh vực để phấn đấu thực hiện trong năm 2018, đòi hỏi tất cả phải vào cuộc ngay, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm.

Bỏ ngay thói làm việc ỳ ạch đầu năm

Theo các chuyên gia, một phần do tâm lý “ăn và chơi” liên quan đến Tết Nguyên đán diễn ra ngay đầu năm nên hiện tượng “ỳ ạch” trong quý I diễn ra thường xuyên.

Đơn cử, Tổng cục Thống kê công bố quý I/2017 GDP chỉ tăng trưởng 5,15% thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu và dự kiến. Quý I các năm 2015, 2016 cũng chỉ ở mức quanh 6% (6,12% và 5,48%). Phải rất nỗ lực, quý II/2017 mới lên được 6,28% và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng: “Chúng ta không còn đường lùi” để rồi quý III/2017 là cuộc tăng tốc thần kỳ lập kỷ lục 7,46%.

Đúng như nhận định của Thủ tướng, để chạm và vượt chỉ tiêu về chỉ số tăng trưởng GDP 2017, cuối năm 2017 chúng ta đã quá “vất vả”.

Để chủ động và không đi vào nền nếp cũ, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ sớm trình dự thảo Nghị quyết 01 về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội kèm theo danh mục 242 đầu việc để Thủ tướng ký ban hành ngay những ngày đầu tháng 1.2018, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở bắt tay ngay vào việc.

Ghi nhận tại cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng thời điểm 0 giờ ngày làm việc đầu năm (1.1.2018), phóng viên Lao Động đã cảm nhận rõ không khí phấn khởi, hân hoan của người công nhân đã cùng nhau đón chuyến hàng đầu tiên trong năm mới 2018.

Phát biểu tại Lễ đón mã hàng đầu năm 2018, ông Phạm Hồng Minh - Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Cảng Hoàng Diệu - cho biết: Công ty tiếp tục ổn định việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho cán bộ công nhân viên toàn Cảng. Cảng Hoàng Diệu phấn đấu đạt các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2018, góp phần vào chỉ tiêu hợp nhất năm 2018 toàn Cảng Hải Phòng là 34,25 triệu tấn sản lượng; Tổng doanh thu hợp nhất 2.210 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 489,4 tỉ đồng.

Tại TPHCM cũng trong ngày 1.1.2018, cảng Tân Thuận - một trong những đơn vị trực thuộc của Cty CP Cảng Sài Gòn - đã đón chuyến tàu hàng đầu tiên. Ông Mai Văn Cự - Giám đốc cảng Tân Thuận - cho biết, đây là chuyến tàu nhập khẩu hàng sắt thép với khối lượng hơn 32.000 tấn. Vì là chuyến tàu “mở hàng” đầu năm nên lãnh đạo cảng đã huy động gần 100 nhân công cho việc bốc dỡ hàng hoá để đạt tiến độ đặt ra ban đầu là giải phóng hàng trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Anh em cũng cố gắng đẩy nhanh tiến độ để tạo đà đầu năm và cũng là mục tiêu của lãnh đạo cảng hướng đến trong việc gia tăng công suất làm việc. Trong năm 2017, cảng Tân Thuận đã đạt được 6 triệu tấn hàng hoá với doanh thu 390 tỉ, lợi nhuận đạt 140 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 12 triệu đồng/tháng. Năm 2018, cảng Tân Thuận sẽ cố gắng duy trì được công suất hiện nay cũng như đảm bảo nâng cao đời sống cho người lao động - ông Cự cho biết.

Nhận định thêm về tình hình xuất nhập khẩu năm 2018, ông Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định với Lao Động: Không chỉ làm việc xuyên suốt ngày chủ nhật cuối cùng trong năm 2017, cán bộ toàn ngành Hải quan đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ của năm 2018. Ngay từ đầu năm, toàn ngành nghiêm túc thực hiện nghị quyết 01 của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian thông quan, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường các biện pháp chống thất thu, phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, một trong những biện pháp cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu sẽ được ngành đẩy mạnh là việc triển khai hệ thống giám sát tự động tại các cảng biển, cảng hàng không trong phạm vi cả nước.

Trong ngày hôm qua, du lịch Việt Nam đã đón những vị khách quốc tế đầu tiên với lễ đón tiếp long trọng, ấm cúng thể hiện sự nồng hậu, mến khách.

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 chính là du lịch. 9 tháng liên tiếp Việt Nam là điểm đến của hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Cả năm 2017, Việt Nam đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30%, tổng thu từ du lịch năm nay ước đạt hơn 510.000 tỉ đồng, đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng không thể “ngủ quên trên chiến thắng”. Năm nay chỉ tiêu đề ra cho du lịch là đón 15 triệu lượt khách quốc tế đòi hỏi ngành không thể chần chừ, ngay từ đầu năm phải triển khai hàng loạt những đầu việc để tăng lượng khách như kỳ vọng.

Trả lời TTXVN, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra nhận định: “Năm 2018 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và đương đầu với các nhóm thách thức, trước mắt, để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua thì Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018”.

Sáng 1.1.2018, tại Cảng Tiên Sa, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón chuyến tàu khách du lịch đầu tiên đến “xông đất” Đà Nẵng bằng đường biển. Ảnh: TTXVN
Sáng 1.1.2018, tại Cảng Tiên Sa, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón chuyến tàu khách du lịch đầu tiên đến “xông đất” Đà Nẵng bằng đường biển.
Ảnh: TTXVN

Cải thiện năng suất lao động - yếu tố để phát triển bền vững

Một thông tin đáng suy nghĩ được đưa ra cuối năm 2017, đó là việc Tổng cục Thống kê đưa ra con số cho biết năng suất lao động của người Việt rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Các chuyên gia cho rằng, việc GDP của Việt Nam tăng trên 6,7% là rất đáng mừng nhưng cần quan tâm hơn nữa về chất lượng tăng trưởng. Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 diễn ra tháng 12.2017 (VDF 2017) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu đều đưa ra nhận định: “Năm 2017 là năm kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công”.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng này không phù hợp với tình hình hiện nay, bối cảnh trong nước có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giải pháp cho vấn đề này chính là phải đưa ngay ra được kế hoạch cải thiện năng suất lao động bởi “nhân tố quyết định chất lượng cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng đó là năng suất”.

Các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng đưa ra nhận định: “Còn rất nhiều dư địa để Việt Nam tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, nâng cao đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp và phát triển doanh nông, hệ thống giao thông logistic và kết nối hiệu quả hơn”.

Một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Nghị quyết của Chính phủ đề ra trong năm 2018 là “tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế (gồm 11 nhiệm vụ, giải pháp)”.

Trong đó có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch...

Không thể chần chừ, chuyến tàu kinh tế 2018 cần phải khởi động ngay và tăng tốc ngay trong những ngày đầu năm 2017.

Một số chỉ tiêu nổi bật năm 2018

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao 6,5% đến 6,7%)

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng 7%-8%)

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt.

- Xây dựng nông thôn mới: Có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

- Thành lập mới khoảng 135.000 doanh nghiệp.

- Tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 41%; Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) đạt khoảng 6,2%;

- Năng suất lao động tăng 5,9%; Tỉ lệ đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trên 43,5%.

- Tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao; Tỉ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; Chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; Tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.

- Đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành.

- Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Khả quan nhưng còn nhiều thách thức

Trả lời phỏng vấn báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định sau thắng lợi kép về tăng trưởng và tỉ lệ lạm phát năm 2017 sẽ là nhiều thách thức cho nền kinh tế trong năm 2018. Theo chuyên gia này, nền kinh tế hiện vẫn đang có nhiều nút thắt như tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay nền tảng tăng trưởng chưa thật vững chắc dù đã có sự chuyển biến ban đầu về chất, năng suất hiệu quả lao động chưa tương xứng đặc biệt so với các nước cùng khu vực, tái cơ cấu còn chậm và tình trạng tham nhũng lãng phí còn phổ biến. Để duy trì đà tăng trưởng năm 2017, chuyên gia này cho rằng các bộ ngành cần nhanh chóng vào cuộc, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ đã đề ra.

“Kinh tế 2018 có nhiều tín hiệu khả quan nhưng thách thức cũng rất lớn, các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể và tăng tốc ngay từ đầu năm”, chuyên gia này nhận định và cho rằng cần tăng cường công tác giám sát trong đó phải quy trách nhiệm của người giám sát để ngăn chặn sớm các vi phạm, bịt các lỗ hổng trong quá trình triển khai.

KHÁNH HÒA thực hiện

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang