Kinh nghiệm trong kiến nghị phòng ngừa tội phạm của VKSND Tp. Hồ Chí Minh

27/07/2017 08:29

(kiemsat.vn)
– Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm thông qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp của Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác kiến nghị và đạt được những kết quả tích cực.

Kết quả thực hiện công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm

Trong năm 2016, trên cơ sở công tác kiểm sát, VKSND hai cấp tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổng hợp các vi phạm, các nội dung bất cập trong quy định của pháp luật, cơ chế quản lý, nguyên nhân, điều kiện xảy ra vi phạm, tội phạm trên địa bàn thành phố; ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại, thi hành án, khiếu tố cũng như yêu cầu khắc phục các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, bất cập sơ hở trong công tác quản lý nhà nước.

Những kiến nghị yêu cầu khắc phục các vi phạm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, áp dụng pháp luật của VKSND hai cấp tại thành phố Hồ Chí Minh đều được cơ quan Tòa án, Cơ quan điều tra, Thi hành án dân sự, Thi hành án hình sự chấp nhận bằng văn bản và triển khai các biện pháp khắc phục; từ đó, chất lượng công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và các tư quan tư pháp nói chung trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường; mặt khác, nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, VKSND hai cấp thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổng hợp thực tiễn công tác, tìm ra những nguyên nhân, điều kiện của tội phạm, các sơ hở bất cập trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến vi phạm pháp luật để phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong các lĩnh vực, trong đó, có những nội dung kiến nghị có quy mô lớn áp dụng khắc phục vi phạm và tội phạm trên phạm vi toàn thành phố và có ảnh hưởng đến cả nước, như:

– Kiến nghị Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý trách nhiệm và phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực Hải quan; qua thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử đối với tội “Buôn lậu” trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, VKSND thành phố phát hiện thấy trong một số vụ án có sự tiếp tay của cán bộ Hải quan đối với hành vi phạm tội cũng như có sự bất hợp lý trong việc phân công thực hiện nhiệm vụ, sơ hở trong quản lý, thiếu kiểm tra giám sát của Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 tạo điều kiện để tội phạm xảy ra, vì vậy, VKSND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kiến nghị số 104/KN-VKS ngày 21/3/2016 kiến nghị Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý đối với các cá nhân có trách nhiệm, chấn chỉnh hoạt động của Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 nói riêng và các Chi cục Hải quan khác thuộc Cục Hải quan thành phố nhằm hạn chế các hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra.

– Kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chấn chỉnh công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố:

Qua vụ án Nguyễn Văn T bị khởi tố, truy tố về tội “Kinh doanh trái phép” và vụ án Nguyễn Văn B bị khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”, phát hiện các vấn đề sơ hở, bất cập trong cấp giấy phép kinh doanh và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố, VKSND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kiến nghị số 283/KN-VKS ngày 07/6/2016 kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp kiểm tra, chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng như các quận, huyện khác thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc cấp giấy phép kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời hạn chế các hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra.

– Kiến nghị Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc xác minh điều kiện của người thi hành án: Qua thực tiễn kiểm sát trực tiếp tại Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án dân sự một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, VKSND thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy trong 3.097 công văn của cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai thành phố và chi nhánh không trả lời kết quả xác minh, chậm trả lời kết quả xác minh là vi phạm quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Đồng thời, các chi nhánh văn phòng quản lý đất đai quận, huyện thụ lý sai quy định đối với các xác minh của chi cục Thi hành án dân sự.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kiến nghị số 448/KSTHADS-KN ngày 20/7/2016 yêu cầu Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai 24 quận, huyện tăng cường mối quan hệ phối hợp, thực hiện nghiêm túc thời hạn việc trả lời kết quả xác minh, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự và xem xét lại việc thu phí xác minh đối với cơ quan Thi hành án dân sự.

Trên cơ sở kiến nghị của VKSND thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 7273 ngày 28/7/2016 yêu cầu Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường thực hiện nội dung kiến nghị của VKSND thành phố Hồ Chí Minh, khắc phục các vấn đề vi phạm.

Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị

Để nâng cao chất lượng công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong thời gian tới, thiết nghĩ cần chú trọng thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên cần chú trọng phát hiện, tập hợp kịp thời các dạng vi phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm cũng như các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực công tác để đề xuất ban hành kiến nghị.

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng của các kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm theo hướng kiến nghị phải xuất phát từ thực tiễn, chỉ rõ được các bất cập, sơ hở, các vấn đề được nêu phải hết sức cụ thể, đồng thời bên cạnh việc phân tích nêu các vi phạm cần chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp đề xuất khắc phục xử lý vi phạm.

Ba là, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên chú trọng theo dõi, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị để có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở hoặc tiếp tục thực hiện quyền kiến nghị để giải quyết dứt điểm và có hiệu quả đối với các nội dung bất cập, các vi phạm mà kiến nghị đã nêu ra; từ đó, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm của Viện kiểm sát.

Bốn là, nâng cao nhận thức của Kiểm sát viên đối với công tác kiến nghị khắc phục phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tránh tình trạng nể nang ngại va chạm mà không dám kiến nghị mặc dù phát hiện thấy vi phạm.

Năm là, cần xây dựng quy chế phối hợp và quy định trong luật về trách nhiệm phải phản hồi và báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan được kiến nghị đối với VKS nhằm xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo hiệu lực của kiến nghị của VKS nói chung và kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm nói riêng./.

Năm 2016, VKSND hai cấp thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 425 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Trong đó có: 102 kiến nghị đối với Cơ quan điều tra, Tòa án trong lĩnh vực hình sự; 118 kiến nghị trong lĩnh vực dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại; 82 kiến nghị trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; 118 kiến nghị trong lĩnh vực thi hành án dân sự; 05 kiến nghị trong lĩnh vực xét khiếu tố. Đồng thời, ban hành 22 kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong các lĩnh vực nói trên.

(Trích bài “VKSND Tp Hồ Chí Minh chú trọng làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm qua công tác kiểm sát” của Thạc sĩ Dương Ngọc Hải, Viện trưởng VKSND Tp. Hồ Chí Minh. Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 03/2017).

Rút kinh nghiệm từ vụ án liên quan đến Hợp đồng chuyển nhượng đất đai

(Kiemsat.vn) – Quá trình giải quyết vụ án dân sự liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng đất đai, có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm về thẩm quyền giải quyết và thủ tục chuyển nhượng hợp đồng mua bán đất đai.

VKSND huyện Đông Hòa kiến nghị phòng ngừa tội cố ý gây thương tích

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian từ ngày 16/10/2016 đến 15/10/2017, trên địa bàn huyện Đông Hòa đã xảy ra 39 vụ cố ý gây thương tích. VKSND huyện Đông Hòa đã kiến nghị UBND huyện cần có các giải pháp để hạn chế tình trạng này.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang