Kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất

04/12/2018 14:59

(kiemsat.vn)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015, thời gian dành cho Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án tối đa là 15 ngày, do vậy khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải có phương pháp nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và đánh giá các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện và khoa học.

Những năm gần đây, tình hình tranh chấp về quyền sử dụng đất xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đây là loại tranh chấp phổ biến và phức tạp nhất trong số các tranh chấp dân sự bởi quyền sử dụng đất thường có giá trị lớn, liên quan đến nhiều đương sự; hơn nữa hệ thống văn bản pháp luật về đất đai của nước ta còn trồng chéo nên việc giải quyết loại tranh chấp này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu báo cáo trong 3 năm (2015, 2016, 2017) Viện kiểm sát cấp huyện của tỉnh Sơn La kiểm sát thụ lý và giải quyết số vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, chiếm 17,5% trên tổng số các vụ án phải giải quyết. Viện kiểm sát tỉnh kiểm sát thụ lý và giải quyết theo trình tự phúc thẩm (án có kháng cáo, kháng nghị) là 166 vụ, trong đó có 70 vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, chiếm 42,2% trên tổng số các vụ án phải giải quyết.

Qua quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất theo thủ tục phúc thẩm nhận thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm còn có những sai sót, vi phạm như: Không đưa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào giải quyết vụ án; không tiến hành thẩm định tại chỗ đối với mảnh đất đang tranh chấp; không yêu cầu cơ quan chuyên môn cung cấp các tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng quy định của pháp luật… nếu trong quá trình nghiên cứu hồ sơ theo thủ tục sơ thẩm không phát hiện được sẽ dẫn đến số lượng án bị hủy giải quyết lại theo thủ tục chung tăng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự. Vì vậy việc nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên có vai trò rất quan trọng, giúp cho Tòa án khắc phục được những sai sót và đề ra quan điểm giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 220 BLTTDS năm 2015, thời gian dành cho Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án tối đa là 15 ngày, do vậy khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải có phương pháp nghiên cứu, phân tích, tổng hợp và đánh giá các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện và khoa học

Thứ nhất, làm rõ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng.

Để làm rõ vấn đề này, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ từng văn bản tố tụng như: Thông báo thụ lý, Giấy triệu tập người tham gia tố tụng, Quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, Biên bản giao nhận chứng cứ, Biên bản lấy lời khai, Biên bản hòa giải, Biên bản thẩm định, Quyết định đưa vụ án ra xét xử,  Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có)… Kiểm sát viên phải nghiên cứu chi tiết các vấn đề về hình thức từng văn bản như: ngày, tháng, năm ban hành, thẩm quyền ban hành, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền. Khi nghiên cứu phải đồng thời đối chiếu với các quy định của pháp luật để xem xét căn cứ ban hành văn bản đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Tất cả các vấn đề tố tụng đều phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm hay không. Kiểm sát viên phải xác định tính hợp pháp và tính đầy đủ của các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thông qua việc kiểm tra các biện pháp thu thập chứng cứ, xác định nguồn chứng cứ là hợp pháp hay không hợp pháp trên cơ sở kiểm tra thủ tục thu thập chứng cứ của đương sự và người tiến hành tố tụng đồng thời làm rõ chứng cứ đó đã xác định được đầy đủ các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án nhằm bảo đảm quyền của người tham gia tố tụng hay chưa. Đặc biệt cần lưu ý:

- Thẩm quyền giải quyết vụ án: căn cứ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành để xác định rõ quan hệ tranh chấp đất đai thuộc sự điều chỉnh của pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hành chính. Tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 chỉ rõ: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết”. Trường hợp không có Giấy chứng nhận hoặc một trong số các giấy tờ quy định tại Điều 100 thì đương sự chỉ có quyền lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 có thể chia thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thành các nhóm sau:

Nhóm 1, tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất. Đối với dạng tranh chấp này, điều kiện bắt buộc để xác định thuộc thẩm quyền của Tòa án là đương sự phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Khi xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với loại tranh chấp này cần chú ý tới hướng dẫn tại Nghị định 43/2014 ngày 15/5/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định, về các loại giấy tờ về đất đất xác lập trước ngày 15/10/1993.

Nhóm 2, theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, những tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đều do Tòa án nhân dân giải quyết dù người sử dụng đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay có một trong các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 hay chưa.

- Điều kiện để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết: Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định hòa giải là thủ tục đầu tiên của quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai khi việc tranh chấp đó đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất đang tranh chấp, đây là thủ tục bắt buộc trước khi Tòa án thụ lý vụ án. Nếu UBND đã hòa giải nhưng không thành, hoặc không hòa giải được do một bên cố tình không đến thì phải coi là đã qua hòa giải. Vì vậy, nếu đơn khởi kiện của đương sự không giao nộp kèm theo biên bản, tài liệu hòa giải không thành hoặc không hòa giải được thì sẽ bị coi là chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định  tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.
 

Ảnh minh họa

Lưu ý: Trong quá trình kiểm sát giải quyết cần chú ý quan hệ pháp luật, mục đích nguyên đơn yêu cầu khi khởi kiện để xác định điều kiện cần và đủ để Tòa án thụ lý giải quyết như trong trường hợp Tòa án giải quyết các vụ án xin ly hôn, khi chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất thì không phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở theo Điều 203 Luật Đất đai 2013, bởi vì quan hệ tranh chấp mà đương sự hướng tới là yêu cầu giải quyết về hôn nhân, chỉ khi Tòa án giải quyết cho ly hôn thì mới xem xét về tài sản nên việc chia tài sản chung là quyền sử dụng đất trong quá trình giải quyết vụ án xin ly hôn không phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở.

Thứ hai, làm rõ nội dung vụ án

 Để làm rõ nội dung vụ án, Kiểm sát viên phải nghiên cứu tòan bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định các vấn đề như: quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp là quan hệ gì, tính chất và nội dung tranh chấp như thế nào ? Nguyên đơn có yêu cầu gì? Ý kiến của Bị đơn và những Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như thế nào đối với yêu cầu của Nguyên đơn và Bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không? các bên xuất trình được những tài liệu, chứng cứ gì về tranh chấp, các tình tiết liên quan đến vụ án….

- Kiểm sát việc cung cấp, giao nộp, thu thập chứng cứ: Để làm rõ các vấn đề chứng cứ, Kiểm sát viên phải trả lời được các câu hỏi chứng cứ trong hồ sơ vụ án  do Tòa án lập đã đầy đủ chưa? Tiêu chuẩn để xác định chứng cứ đầy đủ là chứng cứ đó đã làm rõ các tình tiết, nội dung của vụ án cần phải chứng minh chưa; tình tiết nào của vụ án chưa đủ chứng cứ chứng minh hoạch lý giải chưa thuyết phục, chứng cứ đó đã đủ cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các đương sự không?

Các tài liệu, chứng cứ được thu thập ở giai đoạn sơ thẩm (gồm đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ kèm theo của đương sự, các tài liệu đo Tòa án thu thập, xác quyết định, biên bản và bản án quyết định sơ thẩm…) trước khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ chính cần xem trước những tài liệu và những nội dung sau đây để có cái nhìn khái quát về chứng cứ vụ án:

+ Đơn khởi kiện: Đây là cơ sở làm phát sinh vụ kiện nên người nghiên cứu phải nắm trước việc đơn khởi kiện của đương sự khởi kiện ai? Yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ tranh chấp gì? Những quan hệ pháp luật nào được đương sự đề cập đến… khi kiểm tra đơn khởi kiện cần xem xét và ghi chép lại những nội dung cơ bản sau đây:

Phạm vi khởi kiện, tư cách người tham gia tố tụng: căn cứ vào đơn khởi kiện, phải xác định được địa vị pháp luật và tư cách của những người tham gia tố tụng ai là nguyên đơn, ai là bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, phải xác định xem người khởi kiện có quyền khởi kiện không? Có đủ năng lực hành vi dân sự không? Phạm vi khởi kiện đến đâu, họ yêu cầu giải quyết những nội dung gì? nếu đơn khởi kiện chưa rõ thì quá trình tố tụng tiếp theo đã khắc phục được chưa? Tòa án có đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng hay không? Tùy từng vụ án khác nhau nhưng trong vụ án dân sự thường hay có các cá nhân, cơ quan, tổ chức cùng liên quan  đến quyền lợi, nghĩa vụ khác nhau… tất cả nội dung đó phải được xác định rõ ngay từ đầu, có như vậy mới đảm bảo việc thụ lý và giải quyết vụ án của Tòa án được chính xác.

+ Thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án: phải kiểm tra về vụ việc có được đương sự áp dụng thời hiệu khởi kiện không? Thời hiệu còn hay đã hết? Vụ án có thuộc trường hợp đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa? Xem xét vụ án đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý vụ án hay thuộc thẩm quyền của cơ quan, Tòa án khác.

+ Biên bản hòa giải: khi nghiên cứu biên bản hòa giải của cấp sơ thẩm cần xem xét người chủ trì hòa giải có đúng là Thẩm phán hay không (có trường hợp Thẩm phán không trực tiếp tham gia hòa giải mà lại giao cho Thư ký Tòa án chủ trì phiên hòa giải), thành phần tham gia hòa giải có đúng không? Có được triệu tập hợp lệ không? Thủ tục thực hiện hòa giải có vi phạm nguyên tắc tự định đoạt  của đương sự hay không?

+ Các chứng cứ khác như biên bản lấy lời khai của các đương sự, biên bản đối chất, các tài liệu chứng cứ do đương sự cung cấp, do cơ quan tổ chức cung cấp,… có tuân thủ các quy định của thủ tục tố tụng dân sự hay chưa? Thời gian tiến hành có đảm bảo đúng quy định hay không?

Thứ ba, đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật nội dung để xác định đường lối giải quyết vụ  án.

Trường hợp đất đã có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất thì Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ phải kiểm tra các giấy tờ về đất đai kèm theo các tài liệu hồ sơ quản lý đất và tài sản trên đất (nếu có) để xem xét đánh giá, đất thuộc quyền sử dụng của ai. Các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất có thể là một trong các loại sau: Giấy tờ về quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, Quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành.

Khi Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ phải đặc biệt chú ý đến các tài liệu sau: Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra; các biên bản giải quyết của cơ quan chức năng; biên bản hòa giải ở xã, phường; thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đang có tranh chấp; quá trình kê khai, đóng thuế sử dụng đất hàng năm; sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng chi tiết đã được xét duyệt… Kiểm sát viên phải đánh giá được việc áp dụng pháp luật và giải quyết các vấn đề nêu trên, đưa ra quan điểm giải quyết các vấn đề đó, làm cơ sở để kiểm sát việc giải quyết án của Tòa án.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án đồng thời cũng là quá trình đánh giá các tài liệu đó trong mối quan hệ biện chứng nhằm xâu chuỗi các tình tiết, sự kiện được ghi nhận trong các tài liệu, để xác định bản chất của sự việc, từ đó đề ra hướng giải quyết phù hợp. Vì vậy, việc nắm rõ các kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án là rất quan trọng, giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng quy định của pháp luật./.

Xem thêm>>>

Kinh nghiệm kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự

Quy trình nghiên cứu hồ sơ các vụ án dân sự rút theo đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

                                                                                                                                                                                                                                                                  

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang