Kinh nghiệm giải quyết án hình sự có khó khăn, vướng mắc, kéo dài

30/03/2017 09:11

(kiemsat.vn)
Giải quyết dứt điểm các vụ án để kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử và có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là nhiệm vụ đột phá của VKSND hai cấp ở tỉnh Bình Phước năm 2016. Bài viết đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc giải quyết đối với các loại án này.

Qua rà soát, kiểm tra các vụ án hình sự đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hai cấp tại tỉnh Bình Phước cho thấy, có 22 vụ án khó khăn, vướng mắc, kéo dài việc xử lý và có quan điểm khác nhau giữa Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) với Tòa án nhân dân (TAND) về việc xác định bị can có phạm tội hay không; vi phạm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Nguyên nhân khách quan

Các vụ án nêu trên là những vụ án rất khó khăn trong việc định tội, xác định người phạm tội, những chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm không có nhiều, không thu giữ được hoặc có thu giữ được nhưng không đủ điều kiện để giám định; do địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm phần lớn ở khu vực trong rừng, nơi vắng vẻ, không có người làm chứng; sự đối phó quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt của người thực hiện tội phạm. Đặc biệt, có sự chỉ dẫn của người bị tạm giam, tạm giữ chung trong phòng và một số người am hiểu pháp luật đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót, vi phạm của người tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để xúi giục người phạm tội khai báo gian dối, không đúng sự thật.

Các quy định của pháp luật về định tội, định khung… còn chung chung; chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền về các yếu tố cấu thành tội phạm như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…; phân biệt ranh giới giữa hành vi phạm tội có dấu hiệu tương tự như giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với lừa đảo chiếm đoạt tài sản có yếu tố định khung lợi dụng chức vụ, quyền hạn…; chưa có Luật về chứng cứ.

Nguyên nhân chủ quan

Trình độ của một bộ phận Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV), Thẩm phán còn hạn chế trong áp dụng pháp luật, đánh giá và sử dụng chứng cứ; các hoạt động điều tra và kiểm sát điều tra để thu thập các chứng cứ ban đầu không đầy đủ, bỏ qua không thu thập các chứng cứ có ý nghĩa trực tiếp chứng minh tội phạm, không tuân thủ trình tự, thủ tục pháp lý trong quá trình thu thập chứng cứ; công tác giám định còn kéo dài và kết luận không chính xác, khoa học.

Thẩm phán hủy án hoặc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, hoãn phiên tòa kéo dài, nhưng không chỉ ra các tài liệu, chứng cứ gì để xác định sự thật của vụ án. Trong đó có Thẩm phán khi nghiên cứu hồ sơ và xét xử chỉ tập trung làm rõ các chứng cứ gỡ tội cho bị cáo theo hướng tuyên không tội. Khi vụ án bị hủy để điều tra lại, không nêu rõ lý do hủy án mà các căn cứ đưa ra không thuyết phục hoặc không thể điều tra bổ sung được.

Trách nhiệm người đứng đầu ba cơ quan tiến hành tố tụng chưa cao, chưa sâu sát chỉ đạo quyết liệt giải quyết vụ án; không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và còn có phần hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiệp vụ; chưa rút kinh nghiệm các vụ án bị hủy, bị trả lại điều tra bổ sung…

Quan hệ phối hợp giữa các ngành tố tụng tuy có quy chế, nhưng việc tổ chức thực hiện không thường xuyên, chưa kịp thời cùng nhau tranh luận để tìm ra chân lý, bản chất sự việc.

Trách nhiệm của một số KSV chưa cao; trình độ, kiến thức về hoạt động điều tra và THQCT, KSĐT, KSXX vụ án hình sự của một số KSV còn yếu; không nắm chắc các căn cứ pháp lý và nội dung, phương pháp tiến hành các hoạt động kiểm sát; đánh giá chứng cứ chủ yếu thiên về các chứng cứ buộc tội hoặc thoả mãn với lời nhận tội của bị cáo, nên không yêu cầu điều tra các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh hành vi phạm tội, đến khi bị can không nhận tội, thì không thể thu thập được.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số KSV còn nể nang, ngại va chạm; thực hiện không đầy đủ các thao tác nghiệp vụ được quy định tại các quy chế của ngành. Chưa thường xuyên kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ như: Hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu giữ vật chứng, nhận dạng, đối chất… Khi đề ra yêu cầu điều tra chỉ mang tính chung chung, chưa cụ thể; chỉ kiểm sát gián tiếp các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng qua biên bản, chưa thực hiện kiểm sát trực tiếp hoặc không trực tiếp tiến hành các hoạt động này nên đã không kịp thời phát hiện ra những mâu thuẫn trong lời khai của đối tượng phạm tội, người làm chứng để yêu cầu ĐTV làm rõ, giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án không kỹ nên không phát hiện được những vi phạm của CQĐT cũng như chứng cứ còn thiếu, những mâu thuẫn trong lời khai của bị can, bị hại và nhân chứng để yêu cầu điều tra bổ sung hoặc tự KSV phúc cung, đối chất làm sáng tỏ bản chất của vụ án. Khi hồ sơ chuyển sang VKS thì việc củng cố chứng cứ, làm rõ để giải quyết các mâu thuẫn cũng chưa được giải quyết triệt để, nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Kiểm sát viên THQCT tại phiên tòa cũng còn bộc lộ nhiều thiếu sót như: Dự thảo bản luận tội sơ sài, không xây dựng đề cương xét hỏi, tranh luận, dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa, do vậy, tại phiên tòa KSV thường lúng túng, nhất là khi bị cáo, Luật sư, người làm chứng đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo không phạm tội thì việc tranh tụng để bác bỏ hay công nhận còn nhiều hạn chế.

Một số kinh nghiệm

Để giải quyết các vụ án trên, VKSND cần phải chủ động, linh hoạt áp dụng nhiều phương thức kiểm sát khác nhau và cụ thể trong từng vụ án. Từ kết quả giải quyết các vụ án, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cơ bản như sau:

Thứ nhất, hàng tháng, quý và năm yêu cầu các phòng nghiệp vụ, VKSND cấp huyện rà soát lại toàn bộ các vụ án hình sự có khó khăn, vướng mắc, kéo dài thời gian xử lý và có quan điểm khác nhau giữa các ngành tiến hành tố hình sự tại tỉnh Bình Phước. Qua đó, tổng hợp lên danh sách và phân loại ra thành các cấp độ khó khăn, vướng mắc khác nhau, trường hợp nào VKSND có thể giải quyết ngay theo thẩm quyền thì phân công Lãnh đạo đơn vị cùng KSV có quan điểm đề xuất, thời gian kết thúc việc giải quyết. Còn lại những vụ án thực sự là khó khăn, vướng mắc, có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội, xác định tội danh, định khung, đánh giá, sử dụng chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội thì đưa vào danh sách thuộc phạm vi phải tập trung giải quyết.

Thứ hai, xác định chủ thể phải giải quyết các vụ án này ngoài những người đã tham gia tiến hành tố tụng, bổ sung một số người có trình độ, kinh nghiệm khác tham gia vào giải quyết vụ án để có nhiều kênh phản biện khách quan đánh giá vụ án. Làm cho mọi người có nhận thức thống nhất đó là việc giải quyết các vụ án này là trách nhiệm chung phải làm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng (CQĐT, VKSND, TAND) thực hiện, chứ không phải trách nhiệm riêng của VKSND.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo quản lý, điều hành trong việc giải quyết án hình sự. Viện trưởng phải trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra một cách thường xuyên việc giải quyết các vụ án. Đối với các vụ án VKSND truy tố, Tòa án có quan điểm nhận định bị can không phạm tội; hủy án để điều tra lại, mà Tòa án có quan điểm nhận định bị can không phạm tội hoặc không đủ chứng cứ buộc tội thì Viện trưởng phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và chỉ đạo vụ án. Phân công và quy trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban lãnh đạo, KSV đối với từng vụ án.

Thứ ba, yêu cầu các KSV phải khách quan, thận trọng, trung thực và “dũng cảm” nhận trách nhiệm về việc vi phạm, sai sót, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chân lý; thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của ngành về công tác THQCT và KSĐT, KSXX các vụ án hình sự.

Kiểm sát viên phải có sự nhận thức và áp dụng chính xác các quy định của BLHS và BLTTHS cũng như các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, các văn bản pháp luật có liên quan, thực hiện tốt các thao tác nghiệp vụ quy định tại quy chế của ngành, trong đó cần lưu ý: Các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS như suy đoán vô tội, tranh tụng trong hoạt động điều tra, truy tố và tập trung giai đoạn xét xử.

Thứ tư, tranh thủ sự lãnh đạo của các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao, VKSND cấp cao, TAND tối cao, Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và tăng cường mối quan hệ giữa ba cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tỉnh Bình Phước.

Viện trưởng VKSND phải tăng cường quan hệ với Giám đốc Công an, Chánh án Tòa án để bàn bạc thống nhất phương hướng giải quyết. Đối với các vụ án thuộc thẩm quyền cấp huyện, VKSND tỉnh chỉ đạo Viện trưởng VKSND cấp huyện có báo cáo phân tích, đánh giá chứng cứ và quan điểm giải quyết gửi các đồng chí Bí thư Huyện ủy trước, sau đó Viện trưởng VKSND tỉnh cùng Thường trực Huyện ủy và các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự họp bàn, tranh luận đưa ra phương hướng, thời gian giải quyết.

Từ thực trạng tình hình, kinh nghiệm và các giải pháp đã, đang và sẽ thực hiện được trình bày trên, hiện nay, VKSND tỉnh Bình Phước đã có chuyển biến tích cực, từng bước tạo ra phương pháp, thái độ và trách nhiệm trước việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND; góp phần cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, củng cố và nâng cao uy tín, vị trí, vai trò của VKSND.

(Trích bài viết: “Kinh nghiệm giải quyết án hình sự có khó khăn, vướng mắc, kéo dài và có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại Bình Phước” của Ts. Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước, Tạp chí Kiểm sát số 07/2017).

Cần thay đổi tên biên bản bắt người phạm tội quả tang

(Kiemsat.vn) - Việc bắt người luôn là vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị - xã hội, bắt người đúng hay không đúng  quy định của pháp luật, bắt oan sai có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người và các quyền cơ bản của công dân, liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
lên đầu trang