Khúc hát sông quê – dư âm đọng mãi

12/09/2017 06:37

Đêm nhạc đầu tiên và duy nhất của nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo tổ chức đêm 8/9 tại Hà Nội đã thành công ngoài mong đợi và để lại nhiều dư âm đẹp đẽ trong lòng công chúng. Cùng nghe một số cảm xúc sau đêm nhạc của nhạc sỹ tài hoa xứ Nghệ này, điều đặc biệt đây là nhận xét của những người bạn, người em… đồng hương với nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo ngay khi vừa rời đêm nhạc trở về.

Nhà báo – nhà thơ Vân Khánh: Khúc hát sông quê – Dòng sông cuộc đời

Đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo mang tên ” Khúc hát sông quê” – một ca khúc mà bất cứ ai cũng thuộc, bởi nó là hồn cốt quê hương, là dòng chảy của tình yêu sâu thẳm, da diết, ân tình. Ca khúc ấy có thể nói đã góp phần làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Anh Thơ, gắn bó đến mức mà Anh Thơ ở sân khấu nào, khán giả đều yêu cầu chị hát.

Ca sỹ Anh Thơ và

Ca sỹ Anh Thơ và “Khúc hát sông quê” trong đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Dân Trảo Nha

Đêm 8/9 quả thực Anh Thơ đã cháy hết mình. Cả khán phòng như ngừng thở, mê lịm trong giọng hát sâu thẳm diết da. Anh Thơ hát như giãi bày, như kể chuyện, như nức nở… của đứa con xa quê. Đoạn cao trào của bài hát, chị buông mic, nghẹn ngào, rồi lại vỡ oà trong nốt nhạc.

Chị thực sự xúc động và sau bài hát, chị tâm sự rằng quả thực chưa bao giờ chị cảm động như đêm nay – đêm nhạc duy nhất của người nhạc sĩ chị yêu mến, nhờ ca khúc của ông mà chị toả sáng. Sự thăng hoa của ” Khúc hát sông quê” chính là cộng hưởng của tác phẩm và người nghệ sĩ biểu diễn, nó là dấu ấn làm nên tên tuổi của nhạc sĩ và ca sĩ.

Làng quan họ quê tôi. Ca khúc mở màn đêm nhạc Khúc hát sông quê. Ảnh: Dân Trảo Nha

Làng quan họ quê tôi. Ca khúc mở màn đêm nhạc Khúc hát sông quê. Ảnh: Dân Trảo Nha

“Làng quan họ quê tôi” là ca khúc mở màn, ấn tượng độc đáo bởi cách phối khí mới lạ, nhóm “Năm dòng kẻ” đã thể hiện ca khúc thực sự lôi cuốn, hấp dẫn, mang đến một hơi thở khác của âm nhạc đương đại bởi ca khúc này là sự pha trộn của dòng nhạc dân gian: có âm hưởng quan họ Kinh Bắc, có đan xen dân ca xứ Nghệ và bao trùm là phách nhịp của dòng nhạc hiện đại, tạo nên sự khác biệt không trộn lẫn, nói như nhạc sĩ Thuỵ Kha về ca khúc này là “Làng quan họ quê tôi” quen mà lạ, gần gũi quá mà bác học quá. Đêm nay, một lần nữa, ca khúc ấy lại vút bay trên sân khấu bồng bềnh, mê đắm.

NSƯT Phương Thảo tình tứ, ngọt lịm với “Đôi mắt đò ngang”, ca khúc mà nhiều nhạc sĩ tên tuổi nhận xét rằng: Đó mới là bài ca tuyệt vời mà Nguyễn Trọng Tạo vẽ trong cơn say của tình yêu, đắm đuối với con người xứ Nghệ. Quả thực là đúng với phong cách của ông: dân dã, mộc mạc, chân quê mà lịch lãm, sang trọng tuyệt vời.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sỹ Giáng Son cùng chia sẻ trên sân khấu về ca khúc chung của 2 người. Ảnh: Dân Trảo Nha

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sỹ Giáng Son cùng chia sẻ trên sân khấu về ca khúc chung của 2 người.

Ảnh: Dân Trảo Nha

Phần hai của đêm nhạc là những ca khúc mang phong cách khác, đan kết sự tinh tế, ý vị trong lời ca với sự cuộn trào của giai điệu pha Rock mạnh mẽ , sôi nổi. Các ca khúc ” Trống làng”, “Vầng mây bất hạnh”,” Con dế buồn”, ” Tứ bình”… đã cháy bùng sân khấu bởi những âm hưởng vút cao, cuộn trào, sôi động.

Với những ca khúc này, khán giả được thưởng lãm đủ đầy nhất về con người Nguyễn Trọng Tạo: Hoá ra gã” nhà quê” ấy tình tứ, đắm đuối, dân dã thế mà lại vô cùng thị thành, hiện đại, sôi nổi, nhiệt cuồng. Ca khúc của anh đã cho khán giả cảm nhận đầy đủ nhất. Điều đó khẳng định rằng Nguyễn Trọng Tạo là nhạc sĩ đa phong cách, hoà trộn chất dân gian và hiện đại, làm nên sự sang trọng cho nền âm nhạc Việt Nam đương đại.

Sẽ là thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc đến thơ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc trong đêm ” Khúc hát sông quê”. Với “Cỏ và mưa” phổ nhạc: Giáng Son, cả 2 nhạc sĩ tâm sự trên sân khấu rằng: Đây là sự kết hợp vô cùng xúc cảm, ăn ý đến mức mà chỉ với 4 câu thơ ban đầu thôi, Nguyễn Trọng Tạo và Giáng Son đã điểm tô thêm cho tác phẩm Thơ- nhạc trở nên hoàn thiện, nhạc và thơ là đứa con tinh thần của cả hai chứ không hề tách biệt. Sự cộng hưởng này đã tạo ra một ca khúc tuyệt vời về tình yêu, khát khao và dâng hiến.

Khán phòng chật kín người, đây cũng là một đêm nhạc

Khán phòng chật kín người, đây cũng là một đêm nhạc “cháy” vé với số lượng khán giả giả đông đảo đến từ nhiều miền đất nước. Ảnh: Dân Trảo Nha

 “Một dại khờ, một tôi” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và đặt tựa đề là ” Chia”, bài hát đã được chính nhạc sĩ Phú Quang đệm đàn và hát, ông hát thủ thỉ như kể chuyện, kể cho chúng ta nghe về cuộc đời cay đắng và ngọt ngào, mất mát và đủ đầy, chia ly và dâng hiến… của tình yêu mà ai, trong tất cả chúng ta, đều trải qua.

Đêm nhạc ” Khúc hát sông quê” thực sự đã khiến công chúng được trở về chính mình, trở về dòng sông tuổi thơ, trở về để nhìn lại quãng đời ta đã đi, trở về để chiêm nghiệm và yêu thương hơn, nâng niu và trân trọng mạch nguồn, dòng chảy bất tận của dòng sông cuộc đời.

Doanh nhân Phan Ngọc Minh: Một Nguyễn Trọng Tạo khác, rất khác

Nhiều người biết Nguyễn Trọng Tạo lắm, chắc hẳn ai mà không một lần nhẩm hát “Quá nửa đời phiêu dạt…con lại về úp mặt vào sông quê..”. Ông vẫn thường tự nhận mình là gã nhà quê, người ta biết về ông nhiều quá bởi chất quê, sông quê, làng quan họ quê tôi..

Doanh nhân Phan Ngọc Minh lê chúc mừng nhà thơ- nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Dân Trảo Nha

Doanh nhân Phan Ngọc Minh lên chúc mừng nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Dân Trảo Nha

Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, 2 ca khúc này nổi tiếng quá, phổ cập quá nên chúng có lỗi lớn là che khuất phần nhạc nhẹ, rất thời trang, khắc khoải, bạo liệt, yêu điên cuồng – một Nguyễn Trọng Tạo không hề “nhà quê” tý nào.

Một khía cạnh khác nữa, đó là con người thơ của ông, thơ tình. Thơ tình Nguyễn Trọng Tạo trong ca khúc Cỏ và Mưa của Giáng Son, hay Một dại khờ một tôi của Phú Quang, tình tứ, duyên dáng, thị thành, đắm say, ác liệt lắm…

Ca sỹ Trọng Tấn

Ca sỹ Trọng Tấn “phiêu” trong đêm nhạc “Khúc hát sông quê”. Ảnh: Dân Trảo Nha

Nguyễn Trọng Tạo nhạc mới thời trang, hiện đại, đây mới chính là một Nguyễn Trọng Tạo làm tan nát biết bao trái tim các bóng hồng trong suốt gần 70 năm đời mình. Cứ thử nghe: Con dế buồn, Vầng mây bất hạnh, đặc biệt là bức Tứ Bình: Tình Thu, Tình Đông, Tình Xuân, Tình Hạ…mà xem.

Nếu là nhà tổ chức sự kiện đêm nhạc của ông, chắc chắn tôi không lấy tên chương trình là “Khúc hát sông quê”, mà sẽ chọn 1 cái tên khác và một cách dẫn dắt khác để tôn vinh một Nguyễn Trọng Tạo đa phong cách hơn. Cho công chúng biết đến ông ngày càng nhiều hơn ngoài những gì đã biết, đã quá biết, đã quen, đã quá quen ấy.

Biết đâu “gã nhà quê” ấy lại tiếp tục trót dại, bằng một đêm khác bốc lửa hơn ?!

Nhà thơ Thái Ngọc Hoàng Thương:

Đêm 8/9/2017. Trời Hà Nội lác đác mưa, hình như ông trời đang muốn làm dịu bớt sức nóng ở Nhà hát lớn khi Đêm Nhạc Nguyễn Trọng Tạo bị cháy vé.

Khán phòng không còn chỗ trống, anh em bạn bè đã không quản ngại đường sá xa xôi đến chung vui cùng ông.

Một người đàn ông tài hoa và đào hoa. 70 tuổi mới thêm một lần quyết định “trót dại” tổ chức đêm nhạc đầu tiên trong đời mình…

Nhạc sỹ Phú Quang và nhạc sỹ Nguyễn Trọng tạo trên sân khấu đêm nhạc. Ảnh: Dân Trảo Nha

Nhạc sỹ Phú Quang và nhạc sỹ Nguyễn Trọng tạo trên sân khấu đêm nhạc. Ảnh: Dân Trảo Nha

Người làm thơ, viết nhạc có hai điều sung sướng nhất, một là khi tác phẩm của mình được trình làng, hai là được độc giả, khán giả yêu thích đón nhận. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đều đã đạt được cả hai điều đó.

Hơn 10 năm qua, đối với tôi, ông như một người Thầy, một người anh và một người bạn tri âm đủ để cho tôi cảm nhận và thấu hiểu…

Đến với Đêm nhạc Nguyễn Trọng Tạo là đến với cái bao la ấm áp tình người… Nhạc sĩ, ca sĩ cũng đã dùng cái chân thành của mình để đối đãi lại tấm chân tình của ông.

Ca sĩ Anh Thơ, người đã thể hiện thành công bài “Khúc hát sông quê”, xúc động nói lời cảm ơn đến tác giả bài hát đã giúp cô để lại dấu ấn trong lòng khán giả trong suốt nhiều năm qua.

Ca sĩ Trọng Tấn, Lê Anh Dũng, Phương Thảo, Phương Anh, 5 dòng kẻ, Cỏ Lạ BAND cũng đã đưa đến cho người xem đủ các cung bậc cảm xúc của đêm nhạc…

Khách mời là Nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ câu chuyện lần đầu tiên cô được lên báo và người phỏng vấn cô gần 20 năm về trước chính là nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với tựa đề “Tôi muốn được là chính mình.” Nó như cầu nối bắt nhịp cho thơ nhạc của Nguyễn Trọng Tạo và Giáng Son quyện lại và cần có nhau như “Cỏ và mưa…”

Gương mặt những người bạn, người em quê hương xứ Nghệ ra tham dự đêm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Dân Trảo Nha

Gương mặt những người bạn, người em quê hương xứ Nghệ ra tham dự đêm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Dân Trảo Nha

Nhạc sĩ Phú Quang xuất hiện trên sân khấu hóm hỉnh nói rằng: “Tối nay mọi người sẽ được nghe một giọng hát rất dở, và tôi nói được là tôi làm được…” Mọi người vỗ tay cười ồ. Cả khán phòng lặng im nghe ông hát bài “Một dại khờ, một tôi” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo do ông phổ nhạc. Ông đã hát bằng trái tim mình.

Một đêm nhạc thành công hơn cả sự mong đợi, thành quả có được từ sự nỗ lực của nhà tổ chức và sự đóng góp của anh em bạn bè cùng quý vị khán giả đến với đêm nhạc, là phần thưởng quý giá nhất dành cho nhà thơ, nhạc sĩ.  Ông xứng đáng nhận được sự tôn vinh trong sự nghiệp sáng tác của mình.

Điều khiến tôi lấy làm lạ, là ông không làm quan, nhưng trên hàng ghế mời, tôi thấy có nhiều vị Thứ trưởng, Bộ trưởng và thậm chí cả Chủ tịch thành phố cũng đến tham dự.

Và nó giúp tôi thêm một lần ngộ ra rằng: Thơ và Nhạc luôn là một chiếc cầu nối đưa tình người sát lại gần nhau!

T.V (ghi)/baonghean

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang