Hành vi của V và O cấu thành tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp và tội cố ý gây thương tích

27/11/2017 09:53

(kiemsat.vn)
Xuất phát từ việc bên bán không thực hiện đúng cam kết bán trái phép vũ khí quân dụng, V cùng O bắt giữ E và S trái pháp luật để đánh đập, uy hiếp, khống chế và yêu cầu trả lại tiền. Hành vi  V và O đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp và tội cố ý gây thương tích.

Trong vụ án này V nhờ E mua súng K59, đây được xác định là loại vũ khí quân dụng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: “Vũ khí quân dụng gồm: a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Theo đó, súng K59 là vũ khí quân dụng.

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

 Do đó, theo quan điểm của tôi thì V, E, S, O phạm các tội như sau:

– Hoàng Văn V, Đậu Đình S và Phan Văn E đồng phạm tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 230 BLHS.

– Hoàng Văn V và Dương Văn O phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS và tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS.

– Dương Văn O phạm tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 BLHS.

Thứ nhất, cấu thành cơ bản của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo Điều 230 BLHS: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm”

Theo đó, đầu năm 2017 Hoàng Văn V nhờ Phan Văn E mua khẩu súng ngắn K59 và E đã liên lạc với Đậu Đình S (Lào Cai) mua súng nhựa cho V kiếm tiền chia nhau. Khoảng 16h 00 phút ngày 20/6/2017, S xuống thành phố H và đã đưa cho V một khẩu súng ngắn bằng nhựa (giá 100.000 đồng) đựng trong hộp và nhận số tiền 08 triệu đồng. Sau khi về nhà phát hiện là súng giả nên V tiếp tục gọi điện cho E mua thêm một khẩu súng và đạn cho khẩu súng trước. Lần này giá khẩu súng là 06 triệu đồng và V đã gọi điện cho E nhờ xe ôm đến khách sạn để giao tiền cho S và nhận hàng.

Theo cấu thành cơ bản thì tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng có cấu thành hình thức. V, E và S có thống nhất hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng (súng K59) là đã cấu thành tội phạm theo Điều 230 BLHS.

Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác mà người phạm tội có để bán cho người khác không phụ thuộc vào nguồn gốc do đâu mà có; không phụ thuộc vào vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác đó là thật hay giả, còn tác dụng hay đã mất tác dụng. Trong trường hợp không chứng minh được mục đích bán trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định tội là “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác” hay tội “vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác” hoặc “tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự khác”.

Trong trường hợp này, Hoàng Văn V nhờ Phan Văn E mua khẩu súng ngắn K59 và E đã liên lạc với Đậu Đình S để mua và đã giao nhận súng K59 (tuy là súng giả), giao nhận tiền 14 triệu đồng xong, nên hành vi của V, E, S đã đồng phạm tội theo Điều 230 BLHS.

Thứ hai, xuất phát từ việc hai bên không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán trái phép vũ khí quân dụng (súng K59) giữa V với E và S nên V cùng O bắt giữ E và S trái pháp luật tại bếp để đánh đập, uy hiếp, khống chế E và S để yêu cầu trả lại 14 triệu đồng vì E và S vi phạm hợp đồng mua bán súng K59 trái phép. Lúc này E và S không chịu trả lại 14 triệu đồng nên V và O đã đánh E và S bị thương tích ở vùng đầu, chảy máu.

Để xác định hành vi nêu trên của V và O có cấu thành tội phạm hay không cần căn cứ theo cấu thành cơ bản của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS: “Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Và cấu thành cơ bản của tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”. Theo đó, hành vi nêu trên của V và O đã đủ yếu tố cấu thành 2 tội, đó là tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123 BLHS và tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS.

Thứ ba, hành vi Dương Văn O biết V mua bán trái phép súng K59 (giả) với E và S nhưng không báo cáo cơ quan thẩm quyền xử lý mà O lại tham gia với V để bắt giữ E và S trái pháp luật và gây thương tích cho E và S.

Để xác định hành vi của O có cấu thành tội phạm hay không cần căn cứ theo cấu thành cơ bản của tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 BLHS: “Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Theo đó, hành vi của O đã đủ yếu tố cấu thành tội không tố giác tội phạm theo Điều 314 BLHS.

Đối với hành vi E và S mua súng K59 giả bán cho V lấy 14 triệu đồng đã cấu thành tội phạm theo Điều 230 BLHS nên không thể xem xét xử lý hành vi đó theo Điều 139 BLHS.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.

Thanh Nghị

VKSND huyện Phù Mỹ, Bình Định

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

(Kiemsat.vn) - Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang