Hành vi của Nguyễn Viết C chỉ có thể bị xử lý hành chính

02/11/2017 02:44

(kiemsat.vn)
Theo tác giả, Nguyễn Viết C dùng lời lẽ xúc phạm ông A nhưng không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, C cũng không có hành vi chống đối quyết liệt đoàn kiểm tra, do đó hành vi của Nguyễn Viết C không cấu thành tội Chống người thi hành công vụ, cũng không cấu thành tội Làm nhục người khác.

Đối với tội Chống người thi hành công vụ, khách thể là hoạt động quản lý xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức được thực hiện thông qua hoạt động của các nhân viên của các cơ quan, tổ chức đó. Hành vi chống người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng và chống các hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự công cộng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người đang thi hành công vụ.

Ảnh minh họa

Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật và bị xâm hại thì hành vi của người có hành vi bị xâm hại không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ thì không thuộc trường hợp thi hành công vụ.

Trong trường hợp trên, sau khi đoàn định giá tài sản gồm ông Nguyễn Văn A – Thẩm phán TAND huyện X (là người được phân công giải quyết vụ án); ông Nguyễn Tài B, Thư ký TAND huyện X cùng Hội đồng định giá tài sản có mặt tại nhà ở xóm A, xã B, huyện C để tiến hành định giá ngôi nhà. Do chưa có mặt đại diện chính quyền địa phương và Chủ tịch Hội đồng định giá nên Đoàn công tác ngồi chờ. Lúc này, Nguyễn Viết C là bị đơn trong vụ án đi từ tầng 2 xuống dưới nhà gặp Đoàn công tác, C yêu cầu Đoàn công tác giới thiệu tên, tuổi, chức vụ, đơn vị công tác, mục đích đến nhà. Ông A có nói với C là đủ thành phần sẽ tiến hành làm việc. Do không thấy ông A giới thiệu thành phần, mục đích đến làm việc, không có thành phần chính quyền địa phương nên C đã hắt cốc nước Sôcôla vào cổ ông A làm nước sôcôla dính ở cổ và phần áo trước ngực ông A.

Như vậy, sau khi Nguyễn Viết C yêu cầu đoàn công tác giới thiệu tên tuổi chức vụ đơn vị công tác và mục đích đến nhà thì đã không được đáp ứng và việc tiến hành định giá tài sản (thực hiện nhiệm vụ) của đoàn định giá tài sản vẫn chưa diễn ra (việc thực hiện công vụ chưa bắt đầu). Mặt khác, dấu hiệu mấu chốt để phân biệt sự khác nhau giữa tội phạm và vi phạm pháp luật hành chính là tội phạm phải mang tính nguy hiểm cho xã hội. Tội phạm bao giờ cũng có tính nguy hiểm cao hơn hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Xét cho cùng thì hành vi hắt cốc nước Sôcôla vào cổ ông A làm nước sôcôla dính ở cổ và phần áo trước ngực ông A và dùng lời lẽ xúc phạm ông A của Nguyễn Viết C không gây náo loạn, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, C cũng không có hành vi chống đối quyết liệt đoàn kiểm tra, do đó hành vi của Nguyễn Viết C không cấu thành tội Chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hành vi của Nguyễn Viết C cấu thành tội Làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS không? Trước hết, làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Nếu hành vi làm nhục người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra nhiều hành vi có tính chất làm nhục người khác nhưng chỉ coi là tội làm nhục người khác khi hành vi đó xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Nếu chỉ là những lời lẽ hành động có tính chất thiếu văn hóa như chửi rủa nhau ở đám đông, đổ nước bẩn vào nhau hoặc trong quán nhậu cãi nhau rồi hắt bia, rượu vào mặt nhau thì không phải là tội phạm, mà tùy trường hợp có thể bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp trên hành vi của C cũng chưa phải đến mức xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự của ông A và đoàn kiểm tra mà mục đích chính của C là muốn đuổi đoàn kiểm tra chưa biết rõ danh tính ra khỏi nhà. Do đó, Nguyễn Viết C cũng không phạm tội Làm nhục người khác quy định tại Điều 121 của BLHS.

Hành vi của Nguyễn Viết C có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chồng tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của anh T bị xử phạt hành chính, cụ thể:  Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Hồ Nguyễn Quân

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4

Bài có liên quan>>>

Tội Chống người thi hành công vụ hay tội Làm nhục người khác?

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

(Kiemsat.vn) - Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang