Hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2017

16/06/2017 06:07

Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong năm 2017. Theo đó, kịch bản thứ nhất tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng, lạm phát dự báo ở mức 3,2%. Với kịch bản kinh tế tăng trưởng “tự nhiên”, tăng trưởng đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp là 2,35%.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: K.L)

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 16.6 tại Hà Nội.

Theo TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hai kịch bản đưa ra dựa trên 2 yếu tố lớn, thứ nhất là trạng thái thực của nền kinh tế từ năm trước đến năm nay, nếu không có những can thiệp mạnh của nhà nước trong việc thực thi kế hoạch đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,37%. Cùng với đó, lạm phát sẽ không cao vì một số yếu tố như giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung thị trường (đơn cử như mặt hàng thịt lợn) bị quá tải… Việc điều hành tiền tệ chặt chẽ vì lạm phát lõi tương đối ổn định, thậm chí là suy giảm trong những năm gần đây.

Kịch bản thứ hai là các cơ quan ban ngành sẽ thực hiện và đạt được mục tiêu như Chính phủ mong muốn là 6,7%. Ở kịch bản này, TS Thành cho rằng, lạm phát sẽ tăng thêm vì chúng ta sử dụng nguồn lực tương đối nhiều, vượt qua những tiềm năng thực sự của nền kinh tế. Theo đó, chuyên gia này cho rằng: “Chúng ta cần cân nhắc cái giá chúng ta phải trả khi đạt được mục tiêu tăng trưởng này, đặc biệt là tính bền vững dài hạn tăng trưởng kinh tế của VN trong những năm tiếp theo”.

Dưới góc độ chuyên gia, TS.Thành cho rằng, chúng ta nên đi theo kịch bản tăng trưởng “tự nhiên” bởi khi đó Chính phủ mang đúng tính chất kiến tạo, không phải người chơi mà tạo ra luật chơi, trông coi việc thực thi xem người chơi có chơi đúng luật không. Nếu tạo ra một sân chơi đều đặn khiến người chơi thực sự tin vào trò chơi thú vị, họ sẽ say sưa năng động sáng tạo, tạo nên tăng trưởng bền vững hơn nhiều.

Theo đó, các chuyên gia VEPR cho rằng, các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể làm chậm động năng cải cách, dẫn tới trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2017, giữ vững lạm phát mục tiêu.

Mặt khác, Chính phủ cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách DNNN theo hướng tinh giản, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào NSNN như khu vực hội, đoàn thể. Trong trung-dài hạn, các chuyên gia VEPR khuyến nghị cần cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân…

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 với tiêu đề: “Đẩy mạnh cải cách vì một nhà nước kiến tạo” được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Báo cáo năm nay tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thể chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo. Hiện nay, Báo cáo đang tiếp tục hoàn thiện, dự kiến sẽ được phát hành chính thức vào tháng 9.2017.

Theo lao.dong

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang