Giới thiệu những nội dung cơ bản của BLDS năm 2015 (Phần 2)

26/01/2017 09:00

Về chiếm hữu (từ Điều 179 đến Điều 185) Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã bổ sung quy định chế định chiếm hữu như là tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền […]

  1. Về chiếm hữu (từ Điều 179 đến Điều 185)

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã bổ sung quy định chế định chiếm hữu như là tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Theo chế định này, người chiếm hữu tài sản được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng, người chiếm hữu tài sản là không ngay tình thì phải chứng minh. Người nào có tranh chấp với người chiếm hữu thì phải chứng minh rằng người chiếm hữu không có quyền chiếm hữu (Điều 184). Quy định này sẽ góp phần bảo đảm trật tự xã hội, sự ổn định của giao dịch, giá trị kinh tế của tài sản, sự thiện chí trong quan hệ dân sự.

  1. Về hình thức sở hữu (từ Điều 197 đến Điều 220)

Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, BLDS năm 2015 quy định 03 hình thức sở hữu(1) bao gồm:

– Sở hữu toàn dân là sở hữu đối với tài sản công, bao gồm đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý;

– Sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân;

– Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với một tài sản.

  1. Về quyền của cá nhân, pháp nhân không phải là chủ sở hữu tài sản (từ Điều 245 đến Điều 273)

Bên cạnh việc quy định về quyền sở hữu, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định cụ thể một số quyền khác đối với tài sản của người không phải là chủ sở hữu, gồm: (1) Quyền đối với bất động sản liền kề; (2) Quyền hưởng dụng; (3) Quyền bề mặt. Việc  bổ sung các quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân; về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế và điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; về việc Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân và cá nhân, tổ chức khác yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh; về nguyên tắc tài sản hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân đều được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa…; cụ thể như sau:

Về quyền đối với bất động sản liền kề (từ Điều 245 đến Điều 256), BLDS năm 2015 quy định: Quyền đối với bất động sản liền kề là một quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền). Quyền đối với bất động sản liền kề được xác lập do địa thế tự nhiên, theo luật định, theo thỏa thuận hoặc di chúc. Quyền đối với bất động sản liền kề được thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền, phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền không lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền; chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền không được thực hiện các hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

Về quyền hưởng dụng (từ Điều 257 đến Điều 266), BLDS năm 2015 quy định: quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thoả thuận hoặc di chúc. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật định nhưng tối đa chỉ đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên, nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm, nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.

Về quyền bề mặt (từ Điều 267 đến Điều 273), BLDS năm 2015 quy định: Quyền bề mặt là quyền của chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Thời hạn của quyền bề mặt được xác định theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc di chúc nhưng không vượt quá thời hạn của quyền sử đụng đất. Đối tượng của quyền bề mặt có thể là vật cụ thể gắn với đất hoặc là phần không gian, theo đó vật gắn với đất sẽ được tạo lập. Vật cụ thể gắn với đất có thể là vật nằm trên bề mặt đất, nằm dưới mặt đất hoặc phần không gian trên mặt đất. Chủ thể quyền bề mặt có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với vật đó. Trong trường hợp đối tượng của quyền là phần không gian mà trong đó các vật gắn với đất có thể được tạo lập thì chủ sở hữu phần không gian có quyền xây dựng công trình, trồng cây, canh tác và có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tài sản mới được tạo lập ra.

  1. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản (Điều 161)

Để bảo đảm thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật dân sự về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, Điều 161 BLDS năm 2015 quy định:

– Thời điểm xác lập quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản

– Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

  1. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (từ Điều 292 đến Điều 350)

Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận đầy đủ, rõ ràng và hợp lý hơn về những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó, quy định có 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp. So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã bổ sung 02 biện pháp mới, đó là: Cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu.

Về tài sản bảo đảm, ngoài việc tiếp tục khẳng định tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai và tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm như quy định của BLDS hiện hành, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định trường hợp cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu thì tài sản bảo đảm không phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.

Về thứ tự ưu tiên thanh toán, theo quy định của BLDS năm 2005 thì đăng ký giao dịch bảo đảm là cách thức duy nhất để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định ngoài việc đăng ký giao dịch bảo đảm thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba cũng là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán (Điều 308)

Về xử lý tài sản bảo đảm, BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm (Điều 299) và phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (Điều 303). Quy định về vấn đề này được pháp điển hóa trên cơ sở các quy định của Nghị định về giao dịch bảo đảm. Việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp vẫn được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, tuy nhiên trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 303).

Về bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố, thế chấp, để tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích của các bên trong cầm cố, thế chấp, phát huy được giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm, BLDS năm 2015 quy định như sau: (1) Bên cầm cố, bên thế chấp có quyền bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố, tài sản thế chấp không phải hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu được bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật (khoản 4 Điều 312 và khoản 5 Điều 321); bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

  1. Về trách nhiệm dân sự (Điều 351 đến Điều 364)

Bộ luật Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm dân sự nhằm bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, công bằng trong các quan hệ dân sự cũng như trong giải quyết vụ việc dân sự; cụ thể như sau:

– Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền;

– Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

– Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền;

– Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình;

– Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên có quyền thì bên có nghĩa vụ chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

  1. Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420)

Để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời khắc phục vướng mắc, bất cập từ thực tiễn,  Điều 420 BLDS năm 2015 quy định: Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

– Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

– Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bộ luật cũng quy định rõ năm điều kiện để xác định như thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản để các bên làm căn cứ áp dụng quy định.

  1. Về một số hợp đồng thông dụng (từ Điều 430 đến Điều 569)

Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về một số hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện cho quan hệ pháp luật dân sự. So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 không quy định về hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng bảo hiểm (những hợp đồng này đã được quy định trong Luật nhà ở, Luật kinh doanh bảo hiểm). Bên cạnh đó, Bộ luật cũng bổ sung một loại hợp đồng mới là hợp đồng hợp tác để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Đối với một số hợp đồng cơ bản như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản…, Bộ luật bổ sung nhiều quy định để bảo đảm các quy định này có thể áp dụng cho các hợp đồng có liên quan và cũng bao quát được những dạng hợp đồng có thể phát sinh trong tương lai.

Một trong những nội dung đổi mới quan trọng là quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản. Nội dung này được sửa đổi căn bản, được thảo luận nhiều và được xin ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Điều 468 Bộ luật quy định:

  1. Lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

  1. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
  2. Về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (từ Điều 584 đến Điều 608)

Để khắc phục vướng mắc của quy định hiện hành đang tạo gánh nặng cho người bị thiệt hại là phải có trách nhiệm chứng minh lỗi của bên gây ra thiệt hại, BLDS năm 2015 quy định theo hướng, người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại, người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bộ luật còn bổ sung quy định trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

  1. Về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (từ Điều 663 đến Điều 687)

Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được Bộ luật quy định tại phần thứ năm với những nội dung mới cơ bản như sau:

– Về phạm vi áp dụng, trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Phần thứ Năm của BLDS năm 2015 và luật khác có liên quan về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì áp dụng quy định của luật khác có liên quan với điều kiện các quy định của luật đó không trái với các nguyên tắc xác định và áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong phần thứ năm của BLDS năm 2015;

– Về  xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, Điều 664 Bộ luật quy định như sau:

  1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
  2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
  3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó”.

Bên cạnh đó, BLDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung làm phong phú hơn hệ thuộc xác định pháp luật áp dụng, làm rõ thứ tự ưu tiên áp dụng các hệ thuộc, đặc biệt là hệ thuộc luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng, thừa kế, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và các hệ thuộc liên quan đến quyền nhân thân theo hướng tiếp thu có chọn lọc các tiêu chuẩn, chuẩn mực pháp lý chung đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi.

  1. VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA BLDS NĂM 2015 VÀ ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP (Điều 688 và Điều 689)

Theo quy định tại Điều 688 BLDS năm 2015, BLDS có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, thay thế cho BLDS năm 2005.

  1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
  2. a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của BLDS năm 2015 thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với BLDS năm 2015 và để áp dụng quy định của BLDS năm 2015.

Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005;

  1. b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì áp dụng các quy định của BLDS năm 2015;
  2. c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của BLDS năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết BLDS năm 2005 để giải quyết;
  3. d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của BLDS năm 2015.
  4. Không áp dụng BLDS năm 2015 để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực.

(1) Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định 3 chế độ sở hữu và 6 hình thức sở hữu, theo đó: Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm: (1) sở hữu nhà nước; (2) sở hữu tập thể; (3) sở hữu tư nhân; (4) sở hữu chung; (5) sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, (6) sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi

Nguồn: TCKS số 5/2016

Có thể tặng cho đất và nhà đang thế chấp ngân hàng?

Bố tôi có một mảnh đất gắn liền với một ngôi nhà có giá trị 5 tỷ đồng và đã được cấp sổ đỏ. Cách đây 6 tháng, bố tôi đã thế chấp căn nhà này cho ngân hàng để vay 1 tỷ nhưng hiện giờ vẫn chưa trả được nợ. Vậy, bây giờ bố tôi có thể làm thủ tục tặng cho tôi ngôi nhà này được không?

Người chưa thành niên có đứng tên sổ đỏ được không?

Tôi định tặng cho cháu nội một căn nhà gắn liền với đất, nhưng hiện cháu mới 14 tuổi. Vậy, lúc này cháu tôi có được nhận nhà đất và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất không?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang