Giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản

26/04/2017 04:21

(kiemsat.vn)
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã xảy ra nhiều vụ cướp giật tài sản gây mất trật tự trị an, hoang mang trong quần chúng nhân dân. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản, chúng tôi đưa ra một số kinh nghiệm và biện pháp tuyên truyền được rút ra từ thực tiễn trong quá trình nghiên cứu.

Giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp giật tài sản?

Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)

Một số vấn đề về đối tượng phạm tội

– Đặc điểm nhân thân đối tượng phạm tội: Các đối tượng phạm tội phần lớn là nam giới, ở độ tuổi trung bình từ 18 – 30 tuổi, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định. Trình độ học vấn chủ yêu là trung học cơ sở và trung học phổ thông trở xuống. Nhiều đối tượng phạm tội đã có tiền án, tiền sự.

– Thời gian và địa điểm gây án: Các vụ cướp giật tài sản đa phần diễn ra vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều khi các tuyến đường vắng, ít người qua lại.

– Phương thức, thủ đoạn phạm tội: Các đối tượng thường có phương thức chung là sử dụng xe gắn máy di chuyển trên các tuyến đường phố để theo dõi, quan sát, phát hiện “mục tiêu” (những người có tài sản và sơ hở trong quản lý). Khi có điều kiện thuận lợi thì đối tượng cầm lái có nhiệm vụ lái xe ép sát người bị hại để đối tượng ngồi sau giật tài sản rồi nhanh chóng tăng ga tẩu thoát. Đối tượng giật tài sản thường ngồi phía sau để quan sát, phát hiện “mục tiêu”, giật tài sản và chống trả khi bị đuổi bắt.

– Đặc điểm tài sản bị chiếm đoạt: Tài sản mà tội phạm nhằm chiếm đoạt thường là những tài sản gọn nhẹ, có giá trị, dễ giằng giật, dễ tiêu thụ như:Túi xách, ví cầm tay, đồ trang sức, điện thoại di động hoặc máy tính xách tay, đồ vật, tài sản gọn nhẹ khác để ở khu xe máy nhưng chằng buộc không cẩn thận.

– Đặc điểm về người bị hại: Phần lớn là phụ nữ vì phụ nữ thường mang theo những đồ trang sức có giá trị như: Dây chuyền, hoa tai, lắc vàng và thường sử dụng các loại ví, túi xách đeo trên người hoặc treo trên xe máy khi tham gia giao thông. Mặt khác, phụ nữ  ít có khả năng chống trả, phản ứng chưa nhanh, không dám đuổi bắt hoặc không nhớ được đặc điểm nhân dạng hay phương tiện của đối tượng gây án (do tâm lý hoảng loạn khi bất ngờ bị cướp giật)

Nguyên nhân gia tăng các vụ cướp giật tài sản trong thời gian gần đây

– Công tác quản lý, giáo dục đối với các đối tượng thanh thiếu niên hiện nay còn bị buông lỏng, một số gia đình chưa quan tâm đúng mức đến việc uốn nắn, giáo dục thường xuyên cho con em mình dẫn đến  việc các đối tượng thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi, nghiện ma túy, điện tử muốn có tiền tiêu nên dẫn đến việc phạm tội. Bên cạnh đó là tình trạng thất nghiệp gia tăng, một bộ phận không nhỏ thanh niên trong độ tuổi lao động không có việc làm dẫn đến việc phạm tội.

– Một số người dân, nhất là phụ nữ còn lơ là, thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ tài sản của bản thân khi tham gia giao thông.

– Công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường của thành phố của các lực lượng chức năng còn chưa thường xuyên, liên tục.

Đề xuất một số giải pháp 

– Tăng cường tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân về tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là ý thức tự bảo vệ tài sản và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm cướp giật tài sản trên các tuyến giao thông đường bộ.

– Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tăng cường hơn nữa và phải tiến hành thường xuyên trên khắp các địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học và đặc biệt là những địa bàn có nhiều tuyến đường giao thông thường xảy ra các vụ cướp giật tài sản.

– Nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục: Ý thức bảo vệ tài sản của mình khi tham gia giao thông trên đường bộ; thủ đoạn hoạt động của tội phạm; những tuyến đường và thời gian thường xảy ra cướp giật tài sản để người dân nâng cao cảnh giác đề phòng; chú ý quan sát ghi nhận đặc điểm nhận dạng đối tượng, phương tiện chúng sử dụng, hướng tẩu thoát sau khi gây án, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện bắt giữ hoặc để phục vụ cho công tác điều tra vụ án.

– Phương thức tuyên truyền, giáo dục: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo chí, đài phát thanh truyền hình…, các tổ chức đoàn thể, xã hội, trường học đóng trên địa bàn để tuyên truyền giáo dục hoặc trực tiếp tiến hành tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau.

                                                                          Hà Loan – Văn Toàn

VKSND thành phố Vĩnh Yên

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang