Đừng để “chồi non” mọc lệch

13/10/2017 01:46

(kiemsat.vn)
Một chuyên viên tư vấn tâm lý từng cảnh báo: "Khoảng cách của những băng nhóm từ "phòng thân" đến hoạt động tội phạm rất gần. Thực tế cho thấy các đối tượng tham gia hình thành các nhóm trên mạng xã hội có điểm chung là trẻ (14-20 tuổi), ham chơi bời, hưởng thụ.

Như Dân trí đưa tin, sáng ngày 7/10/2016, một đoạn video clip dài 01 phút 27 giây được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn, mạng xã hội facebook ghi lại cảnh hai nữ sinh “hành xử” thô bạo khiến 1 nữ sinh bị ngất xỉu tại chỗ. Hai nữ sinh đánh bạn được xác định là học sinh của Trường THPT Cẩm Thủy 3 (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Hai nữ sinh đánh bạn tên là D.T.L. (xã Cẩm Ngọc, Cẩm Thủy) và P.T.H.L. (xã Cẩm Thạch, Cẩm Thủy). Cả hai đều là học sinh lớp 11A3. Em học sinh bị đánh là C.T.P. (xã Cẩm Thành, Cẩm Thủy), P. hiện là học sinh của lớp 10A2. Nhà trường ngay lập tức mời phụ huynh học sinh để thông báo, trao đổi, phối hợp quản lý giáo dục học sinh. Yêu cầu các học sinh làm tường trình về diễn biến vụ việc. Đồng thời báo cáo Công an xã Cẩm Thạch nơi xảy ra vụ việc, Công an Huyện Cẩm Thủy để điều tra xác minh làm rõ vụ việc và có biện pháp ngăn chặn.

Chơi theo nhóm để có “hội” và… không bị bắt nạt?

P.T.H.L, nữ sinh lớp 11 Trường THPT Cẩm Thủy 3 (Thanh Hóa), người từng cùng nhóm của mình đánh “hội đồng” nữ sinh đến ngất xỉu vào ngày 23/9 vừa qua, cũng thừa nhận “đã chơi theo nhóm từ khi vào lớp 10. Cả nhóm chơi thân thiết và sẵn sàng giúp nhau nếu lỡ… bị đánh”.

Đừng để “chồi non” mọc lệch Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Bên cạnh những nhóm bạn cùng nhau chia sẻ chuyện học, tâm sự buồn vui… thì có cả những “nhóm bạn tiêu cực”, như lời của K.L, học sinh Trường THPT dân lập Đông Kinh (Hà Nội): “Thường thì những nhóm tiêu cực thành viên đa phần là học sinh yếu, kém. Họ hay trêu ghẹo và bắt nạt học sinh trong trường”.

Còn V.Q, học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Nội), cho biết trong trường cũng có nhiều hội, nhóm. Việc lập nhóm khá đơn giản, có khi chỉ là sau vài lần bao bạn bè ăn uống, nên được nhiều người tự nguyện chơi cùng, trở nên thân thiết và “nhóm bạn” ra đời.

Nguyên nhân do đâu và tại sao?

Tâm sinh lý lứa tuổi thanh, thiếu niên phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, dễ nảy sinh tội phạm và vi phạm pháp luật. Việc nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mực vào việc quản lý, giáo dục hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thậm chí còn dung túng, bao che, giấu giếm hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của con em.

Việc tổ chức quản lý, giáo dục đạo đức, pháp luật, bồi dưỡng nhân cách cho học sinh, sinh viên của một số nhà trường chưa được chú trọng. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con em chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên, còn mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển về nhận thức; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử lý thanh, thiếu niên vi phạm còn bất cập, chế tài với tội phạm do người chưa thành niên gây ra còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bạo lực trong học đường.

Cần lắm những sân chơi lành mạnh 

Chia sẻ với các PV, Th.s tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, cho rằng xu hướng lập nhóm, chơi theo nhóm của học sinh là bình thường; “Ở lứa tuổi từ 12 – 17, các em muốn thể hiện mình đã trưởng thành, muốn chứng tỏ sự độc lập, nên thường có xu hướng tìm và kết bạn, kết nhóm… Vì các em cảm thấy mình được đồng cảm, thấu hiểu và dễ dàng hòa nhập”, ông An lý giải.

Đừng để “chồi non” mọc lệch Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý ở lứa tuổi này rất dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông (trong nhóm bạn, bè phái đang tham gia), nên không kiểm soát được cảm xúc mà sẽ hành động theo vô thức. Thế nên, trong cơn bốc đồng, các nhóm có xu hướng sẵn sàng “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” mà chẳng hề phân tích tình huống. Có khi chỉ cần một cái liếc mắt, một lời thách thức… là có thể dẫn đến ẩu đả. Đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này thường được nhắc tới bởi các từ: khủng hoảng, nổi loạn, bất trị, bốc đồng. Vì vậy, các em thường có suy nghĩ “nắm đấm đi trước, lời nói đến sau”, ông An phân tích.

Th.s – Luật sư Vũ Thị Thanh Nga, giám đốc Công ty Luật Anh Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Ở lứa tuổi THCS và THPT, với những nét đặc trưng tâm lý riêng, những tính cách trong nhóm bạn sẽ ảnh hưởng đến các thành viên trong nhóm khá rõ nét.

Đừng để “chồi non” mọc lệch Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Đâu là nguyên nhân khiến một bộ phận học sinh THCS, THPT rủ nhau lập nhóm để quậy phá, chèn ép người khác, chứng tỏ, thể hiện mình? Ls. Nga cho rằng; “Một phần là do người trẻ hiện nay thiếu sân chơi lành mạnh, không có nơi để giải tỏa năng lượng, không có môi trường vui chơi thỏa thích. Nếu như các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm đến vấn đề này thì sẽ góp phần giúp trẻ tìm được niềm vui bên ngoài cuộc sống thay vì chỉ có những hành động bốc đồng ảnh hưởng đến những người xung quanh”.

Còn theo Trung tá Trần Văn Dũng (CA quận Hoàng Mai, Hà Nội) cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, dân cư, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn.

Đừng để “chồi non” mọc lệch Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

“Triển khai trấn áp quyết liệt các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động đâm thuê, chém mướn, cho vay nặng lãi, cướp giật tài sản… do người ở tuổi vị thành niên gây ra; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe và giáo dục” Trung tá Dũng nói.

Anh Minh

Xem các tin có liên quan >>>>>

Những điểm mới của nhóm tội phạm về ma túy trong BLHS 2015

Họa do bạn xấu mang tới

Lái xe “phê” ma tuý, có được coi là người mắc bệnh tâm thần?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang