Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức

22/08/2018 15:35

(kiemsat.vn)
Để đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều nội dung mới liên quan tới tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá, liên thông trong đánh giá cán bộ.

Ảnh minh họa (Kinh tế đô thị)

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để thay thế Nghị định 56/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP.

Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) mặc dù có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm nhưng công tác đánh giá vẫn còn nhiều bất cập, chưa phản ánh thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thế, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang hoặc định kiến. Điều này thể hiện ở việc các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc dẫn tới việc phản ánh không đúng thực trạng, mức độ hoàn thành công việc của CBCCVC; Chưa có sự liên thông trong kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lặp, tốn kém thời gian, vật chất. Ngoài ra, chưa đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong các tác đánh giá, phân loại CBCCVC...

Từ những vướng mắc nêu trên, Bộ Nội vụ khẳng định việc sửa đổi quy định về công tác đánh giá CBCCVC để khắc phục được những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cần thiết.

Nhiều nội dung mới đã được để ra trong dự thảo Nghị định lần này. Cụ thể:

Về mức đánh giá cán bộ, công chức: Thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

Về tiêu chí đánh giá, trên cơ sở Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định đã quy định những nội dung tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể liên quan đến đánh giá, phân loại CBCCVC như: xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và CBCCVC thuộc quyền quản lý...

Về phương pháp đánh giá, trong việc đánh giá CBCCVC lãnh đạo, quản lý, Quy định 89-QĐ/TW quy định khi đánh giá, phân loại phải có ý kiến của cấp ủy nơi cư trú. Quán triệt nội dung này, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú theo quy định hiện hành của Đảng đối với CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Về việc liên thông trong đánh giá CBCCVC, để bảo đảm sự thống nhất trong công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá, phân loại đảng viên giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm thủ tục hành chính, dự thảo bổ sung nguyên tắc: “Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá CBCCVC trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn.

Đồng thời để tạo sự thống nhất, liên thông trong đánh giá CBCCVC là lãnh đạo, quản lý, dự thảo cũng quy định phải lấy ý kiến cấp ủy nơi công tác khi thực hiện đánh giá CBCCVC lãnh đạo, quản lý.

Bộ Nội vụ lưu ý, việc bảo đảm liên thông trong công tác đánh giá là vấn đề quan trọng và rất phức tạp, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, nếu thực hiện được thì cũng giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm thủ tục hành chính. Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện, phù hợp về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu trước khi thống nhất quy định áp dụng chung.

Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ đến ngày 21/10/2018.

Xem toàn văn dự thảo tại đây.

Xem thêm>>>

Tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp VKSND 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang