Đỗ xe gây tai nạn có bị xử lý hình sự?

31/03/2017 02:35

(kiemsat.vn)
Trần Văn C đỗ xe ô tải bên phải đường ngoài đô thị làm Lê Anh T đi xe cùng chiều tông vào phía sau bên trái đuôi xe dẫn đến tai nạn, tổn thương 82% cơ thể. Liệu Trần Văn C có phạm tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" không?

Đỗ xe gây tai nạn
  Ảnh minh họa – Đỗ xe

Nội dung vụ việc:

Khoảng 0h30 ngày 16/3/2016, tại Km 08+200 Quốc lộ 9, thuộc địa phận xã H, huyện L, tỉnh T, anh Lê Anh P điều khiển xe mô tô đi theo hướng từ thành phố H đến huyện L đã tông vào phía  sau bên trái đuôi xe ô tô tải do Trần Văn C điều khiển đang đỗ bên phải đường theo hướng (thành phố H đến huyện L) cùng chiều đi gây tai nạn.

Đoạn đường xảy ra tai nạn giao thông được xác định là đường ngoài đô thị; mặt đường rộng 10,95m được phân chia bằng vạch kẻ đường ngăn cách đứt đoạn, phần đường bên phải rộng 5,53m, phần đường bên trái rộng 5,42m theo hướng (thành phố H đến huyện L). Vị trí đỗ của xe ô tô có tâm phía ngoài lốp trước bên phải đo vào lề đường bên phải là 0,47m; tâm phía ngoài lốp sau bên phải đo vào lề đường bên phải là 0,42m; tâm phía ngoài lốp sau bên trái đo vào lề đường bên trái là 8,23m, đo vào vạch phân chia làn đường dành cho xe đi ngược chiều là 2,81m; tâm phía ngoài lốp trước bên trái đo vào lề đường bên trái là 7,73m, đo vào vạch phân chia làn đường dành cho xe đi ngược chiều là 2,76m; tâm phía ngoài lốp sau bên trái đo vào lề đường bên phải là 2,72m, tâm phía ngoài lốp trước bên trái đo vào lề đường bên phải là 2,77m (phần đường dành cho xe đi cùng chiều bên trái rộng 2,76m – 2,81m). Trên đoạn đường này không có biển báo cấm dừng cấm đỗ, khi đỗ xe lái xe chỉ bật đèn báo hiệu dừng đỗ của xe ô tô. Hậu quả anh P bị tổn thương cơ thể 82%.

Về việc xử lý ý kiến với vụ tai nạn giao thông nói trên có hai ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Trần Văn C chỉ bị xử lý về hành chính, vì: Anh Lê Anh P điều khiển xe mô tô không chú ý quan sát, không giảm tốc độ đến mức an toàn để tránh chướng ngại vật (xe ô tô đang đỗ) phía trước là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính mình. Đối với Trần Văn C người điều khiển xe ô tô đỗ xe về phía bên phải đường, đã áp dụng biện pháp an toàn là bật đèn báo hiệu dừng đỗ, phần đường còn lại đủ rộng đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông khác. Vì vậy, không thể coi hành vi đỗ xe ô tô là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả của vụ tai nạn. Nếu có lỗi thì chỉ xử phạt hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999.

Ý kiến thứ hai (cũng là ý kiến của tác giả) cho rằng:  Cần xử lý Trần Văn C về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999, vì: Hành vi dừng, đỗ xe ô tô như đã nêu trên của Trần Văn C đã vi phạm quy định tại các điểm b, d khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Điểm b, d khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

“3.Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

  1. b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
  2. d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”.

Như vậy, một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả trong vụ tai nạn nêu trên là do Trần Văn C đỗ xe trái quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 thì: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Do vậy, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, vi phạm quy định về dừng, đỗ gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác như đã nêu trên của Trần Văn C đã đủ các yếu tố cấu thành tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 của BLHS năm 1999.

Trần Tân

VKSND huyện Cam Lộ, Quảng Trị

Đỗ xe gây tai nạn nghiêm trọng là phạm tội

Nguy hiểm “trực chờ” từ miệng cống, hố ga mất nắp

(Kiemsat.vn) – Hết lần này đến lần khác, những vụ tai nạn “trời ơi đất hỡi” khiến nhiều người tử vong do miệng cống, hố ga mở ngoác miệng nằm trên đường gây ra, nhưng trách nhiệm thuộc về ai vẫn đang là câu hỏi.

Vụ TNGT 6 người chết ở Tây Ninh: Nhiều khả năng do tài xế xe 16 chỗ ngủ gật

Liên quan đến vụ tai nạn “2 xe khách đấu đầu ở Tây Ninh, 6 người tử vong” xảy ra vào sáng sớm 2.10, sau khi đến hiện trường chỉ đạo xử lý vụ tai nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng các thành viên Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo huyện Dương Minh Châu đã đến bệnh viện đa khoa Tây Ninh để thăm hỏi và hỗ trợ các nạn nhân.
(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang