ĐBQH đề nghị lùi thời gian áp dụng cách tính lương hưu mới cho phụ nữ

02/11/2017 03:58

(kiemsat.vn)
– Tại cuộc tranh luận về vấn đề thực hiện chính sách lương hưu mới, đại biểu Bùi Sĩ Lợi kiến nghị kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách ngày 1/11, Đại biểu Quốc hội đề nghị lùi thời gian thay đổi cách tính lương hưu mới, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2018, để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ.

Theo quy định hiện nay, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khi đạt tỷ lệ 45%, cứ mỗi năm đóng BHXH, người lao động nữ được tính thêm 3%, còn người lao động nam được tính thêm 2%.

Tuy nhiên, theo cách tính lương hưu mới quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ được tính thêm 2%. Như vậy, người lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu, thay vì chỉ cần có đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội là được hưởng tỷ lệ tối đa 75% như hiện nay, thì từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75%.

Như vậy, với cách tính trên, từ năm thứ 16 trở đi thay vì được cộng 3% như trước đây, lao động nữ chỉ được cộng 2%. Có nghĩa là lao động nữ sẽ bị hụt mất 10% tổng quỹ tiền lương hưu.

Đại biểu Quốc hội đề nghị hoãn thời gian thi hành chính sách mới

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 01/11, đại biểu Ngô Duy Biểu của đoàn Hà Nội kiến nghị lùi thời gian thay đổi chính sách lương hưu với lao động nữ từ đầu năm tới để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Như Ý của tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho lùi thời hạn thực hiện chính sách thay đổi lương hưu để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ”. Đại biểu Như Ý bày tỏ sự lo ngại về việc thay đổi cách tính lương hưu sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu lao động nữ và lâu dài sẽ tác động tới chính sách an sinh, bảo hiểm xã hội của nhà nước.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi của đoàn Thanh Hóa (Ảnh: Internet)

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Internet)

Về cơ chế tính lương hưu mới, ông Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lý giải vì sao lại hạ tỷ lệ được hưởng lương hưu của phụ nữ từ 3% xuống 2% từ 01/01/2018. Ông nói “Luật 2006 quy định nam 2%, nữ được ưu tiên là 3%. Đến Luật 2014, chúng ta muốn bình đẳng giới nên quy định nam và nữ đều là 2%. Chính vì lẽ đó, từ 01/01/2018 nếu phụ nữ về hưu thì bị giảm trừ”. Ông cũng bày tỏ quan điểm của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội là “ủng hộ chúng ta kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới. Chúng tôi nghĩ tác động không lớn, đề nghị Quốc hội ủng hộ, Thường vụ Quốc hội có ý kiến để chúng ta cho tính công thức lương hưu như cũ”.

Luật đang “bỏ quên” quyền được hưởng lương hưu của người bị tù giam, người bị thôi việc

Cũng tại buổi họp Quốc hội chiều 01/11, Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đề xuất ý kiến về chế độ lương hưu cho người bị tù giam và người bị thôi việc.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Quảng Trị (Ảnh: Internet)

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Quảng Trị (Ảnh: Internet)

Theo đại biểu Sinh “Lương hưu thuộc quyền sở hữu của công dân Việt Nam đã được hiến định”.

Theo quy định hiện hành trong Luật Bảo hiểm xã hội thì kể từ ngày 01/01/2016 trở đi những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì tiếp tục hưởng lương hưu trong quá trình đi tù. Với người đang trong quá trình thụ án giam, nếu đến đủ tuổi lương hưu thì được ủy quyền cho người thân. Ông cho rằng, quy định này thể hiện sự nhân văn.

Tuy nhiên, theo ông Sinh thì chế độ lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay còn có những bất cập lớn.

Thứ nhất, người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ 01/01/1995 đến 31/12/2015 thì bị cắt lương hưu trong lúc đi tù, chỉ được hưởng lại sau khi ra tù.

Thứ hai, người bị tù giam, bị buộc thôi việc trước 01/01/1995, toàn bộ thời gian công tác đó bị cắt bỏ, không được tính hưởng lương hưu. Trong số này có cả những nữ lao động sinh con thứ ba bị cho thôi việc do vi phạm kế hoạch hóa gia đình.

Trong bài phát biểu Đại biểu Sinh cho biết, trong số những người đi tù không được hưởng lương hưu có nhiều người vào sinh ra tử, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, sau đó được giao làm giám đốc xí nghiệp, giám đốc công ty nhưng vì trình độ quản lý có hạn, bị cán bộ cấp dưới bất lương, làm ăn bất chính đã làm liên lụy. Những bà mẹ sinh con thứ ba bị buộc thôi việc đã phải gồng mình kiếm tiền nuôi con, trong số đó có người là nhân tài của đất nước, họ đã và đang cống hiến cho Tổ quốc.

“Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đang bỏ quên họ”, đại biểu Sinh bày tỏ ý kiến của mình về những trường hợp trên.

Thứ ba, ông bày tỏ “Tôi thấy thật là chua xót và không công bằng” khi nhiều bà mẹ tuổi đã cao, sức đã yếu, đang phải sống bằng khoản trợ cấp tuổi già của nhà nước là 250 nghìn.

“Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng xã hội, đảm bảo quyền của công dân, đảm bảo thượng tôn của Hiến pháp, đồng thời cũng là thời cơ để khắc phục thiếu sót khi còn chưa muộn. Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội hãy sớm xem xét, quyết định trả lại lương hưu là thu nhập hợp pháp của họ cho họ”, ông đề xuất thêm.

Đan Thanh

(tổng hợp)

Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

(Kiemsat.vn) - Trong phiên họp buổi chiều nay (16 /11), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai là việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra trong 03 ngày

(Kiemsat.vn) - Sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ là vị bộ trưởng đầu tiên “đăng đàn”, mở đầu phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, diễn ra trong 3 ngày của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang