“Cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ: Phần thắng thuộc về khách hàng?

09/10/2017 03:39

(kiemsat.vn)
Có thể khẳng định dù kết quả “cuộc chiến” này đến đâu thì khách hàng mới là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Vì sao khách hàng chọn Uber – Grab?

Nguyên nhân đầu tiên chúng ta cần phải nói về mặt chi phí khi đi xe. Cùng một quãng đường như nhau nhưng khách hàng dùng taxi công nghệ chỉ phải trả một khoản chi phí bằng 70% taxi truyền thống. Sự ưu việt này còn thể hiện rõ khách hàng có thể biết chính xác số tiền cần chi trả cho quãng đường mình đi.

Ảnh minh họa: Internet

Bằng smart phone, khách hàng có thể lên xe chỉ sau vài phút chọn lựa xe quanh điểm đứng của mình. Điều này với taxi truyền thống thì hoàn toàn “hên – xui” tùy theo thời điểm, địa điểm mà khách gọi xe. Hơn thế nữa, với taxi truyền thống thì sẽ bị cấm đi vào nhiều tuyến đường trong giờ cao điểm dẫn đến việc bất đắc dĩ phải đi vòng, nhưng với taxi công nghệ, điều đó không xảy ra. Như vậy thời gian phục vụ đón trả khách sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Một quy định của taxi công nghệ là xe phải ít nhất sản xuất từ năm 2007 trở đi. Hầu hết xe chạy Grab – Uber đều là xe rất mới. Sự tiện nghi, thoải mái và cả “mùi” xe khiến những khách hàng khó tính cũng phải hài lòng.

Với việc khách hàng đi xe được quyền chấm điểm phục vụ bằng cách “tích sao” cho xe khiến các chủ xe hết sức nhiệt tình trong phục vụ khách. Hiếm xảy ra chuyện chủ xe có thái độ không tốt với khách hàng hay vòi vĩnh, thực sự họ rất cầu thị khách hàng. Bên cạnh đó, việc đi xe như xe nhà, không có nhãn mác taxi cũng khiến khách hàng thỏa mãn được “cái tôi” khi đi công chuyện hay về quê.

Taxi truyền thống phản ứng tiêu cực, vi phạm luật

Trước sức ép rất lớn từ taxi công nghệ, nhiều Công ty taxi truyền thống sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, buộc phải giảm bớt số lượng xe, tài xế, cắt giảm lương, thưởng. Sự “vùng vẫy” vẫn theo kiểu truyền thống này vô tình lại cung cấp thêm cho taxi công nghệ hàng loạt tài xế lành nghề.

Thời gian gần đây, hàng loạt taxi tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã dán nhiều khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ, thậm chí ghi rõ tên các công ty này. Sử dụng nhiều nhất là các khẩu hiệu: “Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch…” ; “50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ“; “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”. Đề nghị dừng thí điểm Uber và Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Hành vi này rõ ràng không mang tính cạnh tranh một cách bình đẳng trong kinh tế thị trường. Các hãng taxi truyền thống đang gặp thách thức trong việc hành xử khi thấy mình bị bất công, than phiền mang tính phong trào, không có tính chuyên nghiệp. Nếu thật sự cạnh tranh, thay vì than phiền, họ cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của chính bản thân mình. Không những vậy, hành vi này còn vi phạm pháp luật Việt Nam vì cơ quan Nhà nước chưa hề có kết luận về việc Uber, Grab trốn thuế hay làm thất thu thuế. Việc cố tình đưa thông tin sai sự thật qua các khẩu hiệu về việc Uber, Grab gây thất thu thuế thì hành vi này vi phạm Điều 43 Luật Cạnh tranh.

Rõ ràng, thay vì dán khẩu hiệu phản đối, bêu xấu đối thủ thì các Công ty taxi truyền thống nên tập trung làm mới mình, thích nghi để tồn tại. Kết quả của “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ có thế nào đi nữa thì phần thắng vẫn thuộc về khách hàng, người có quyền quyết định chọn lựa sản phẩm nào phù hợp với mình.

Điều 43 – Luật Cạnh tranh: Gièm pha doanh nghiệp khác Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Điều 117: Các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả a) Cảnh cáo. b) Phạt tiền. 2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. 3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác. Điều 31 Nghị định 71/2014 của Chính phủ quy định gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt tiền 10-50 triệu đồng.

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang