Có thể yêu cầu VKSND cấp huyện xem xét lại bản án đã có hiệu lực không?

14/11/2018 08:16

(kiemsat.vn)
Khoảng 3 tháng trước, con tôi bị TAND quận D tuyên phạt 18 tháng tù về Tội cướp tài sản và bản án đã có hiệu lực. Nhưng tôi vẫn không tin là con mình có tội và vừa có trong tay chứng cứ ngoại phạm. Vậy, tôi có thể yêu cầu VKSND huyện xem xét lại bản án này không?

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án (Điều 370 BLTTHS năm 2015).

Ảnh minh họa

Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 373 BLTTHS năm 2015, gồm: 

- Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

- Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thủ tục thông báo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tại Điều 374 của Bộ luật này quy định:

“1. Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).

2. Văn bản thông báo có các nội dung chính:

a) Ngày, tháng, năm;

b) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo;

c) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật;

d) Nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện;

đ) Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị.”

Đối với trường hợp bạn hỏi, vì bản án của TAND quận D đã có hiệu lực pháp luật nên dù phát hiện bản án đó có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, VKSND quận D cũng không có thẩm quyền kháng nghị bản án đó. Chỉ những người quy định tại Điều 373 BLTTHS năm 2015 mới có quyền kháng nghị giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, bạn có thể thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với VKSND quận D về vi phạm pháp luật trong bản án, kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có). Sau khi nhận thông báo, lập biên bản ghi nhận lời trình bày của bạn, VKSND quận D có trách nhiệm gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho bạn, người có liên quan biết.

Xem thêm>>>

Trốn truy nã mà được Tòa tuyên đã chết – VKSND cấp cao 3 kháng nghị

Viện kiểm sát kháng nghị chuyển tội danh thành giết người với những kẻ côn đồ

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang