Cô gái Việt Nam đầu tiên chinh phục 4 sa mạc khắc nghiệt: Truyền cảm hứng vượt khó

20/03/2017 04:31

(kiemsat.vn)
“Tôi từng nghĩ rằng việc chinh phục những đường chạy khó khăn nhất thế giới sẽ giúp mình khám phá giới hạn bản thân và trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên làm được những điều tưởng như không thể. Nhưng, bây giờ, với tôi, nếu việc tham dự những giải chạy khắc nghiệt nhất thế giới có thể truyền cảm hứng cho những người khác thì đó mới là điều tuyệt vời nhất” - Vũ Phương Thanh, cô gái Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công giải chạy siêu bền đa chặng “4 Deserts Grand Slam” năm 2016 chia sẻ.

Vũ Phương Thanh trên đường chạy ở Atacama (Chile) năm 2016

Nếu gặp Vũ Phương Thanh (hay còn gọi là Thanh Vũ), ít ai có thể ngờ rằng cô gái có gương mặt thanh tú này từng chinh phục những đường chạy khắc nghiệt nhất thế giới. Câu chuyện của Thanh Vũ cuốn hút người nghe. Cô gái 27 tuổi đến với đường chạy trong cảnh ốm yếu, chẳng đam mê thể thao. Năm lớp 9, khi đang học ở Singapore, cô phải lựa chọn một môn thể thao bắt buộc. Rất nhanh, Thanh Vũ chọn môn điền kinh vì nghĩ rằng đó là môn thể thao đơn giản.

Khi đi làm, Thanh Vũ nghĩ đến việc tham dự những giải đấu khắc nghiệt. Tuy nhiên, những tháng ngày bận rộn tại Văn phòng Bloomberg ở Singapore đã khiến Thanh Vũ gác lại ý định ấy. Mãi đến khi tích cóp được kha khá tiền thì cô mới quyết định chia tay công việc để thực hiện mục tiêu chinh phục những đường chạy kia. “Ở tuổi từ 20 đến 30 tràn đầy nhiệt huyết, con người có thể hứng thú với việc thử thách bản thân, làm những điều mới mẻ. Có lẽ khi đã hơn 30 tuổi, có một sự nghiệp ổn định, thật khó đủ dũng cảm để bứt ra” – Thanh Vũ chia sẻ.

Mẹ Thanh Vũ cảm nhận được sự bận rộn với công việc của con gái, đã đồng ý ngay khi cô thông báo quyết định nghỉ việc. Nhưng, khi biết con nghỉ việc chỉ vì muốn tham gia những giải chạy như hành xác thì bà lặng đi, giận đến mức không nói chuyện với con trong suốt hai tuần.

Một trong những lý do khiến Thanh Vũ quyết tâm chinh phục những thử thách khó lường bắt nguồn từ cuốn sách “Runaway Success Learning Practice” (tạm dịch là Những trải nghiệm trong cuộc chạy đường dài) của Thaddeus Lawrence – một người Singapore từng chinh phục thành công giải chạy siêu bền đa chặng “4 Deserts Grand Slam”.

Cô nói rằng cuốn sách ấy đã giúp cô thoát khỏi suy nghĩ tự hài lòng với những gì mình đã đạt được. Chính vì vậy, cô đã bỏ ra gần 7.000 USD để tham dự giải chạy tại Atacama ở Chile. Lần đầu dự một giải siêu bền, Thanh Vũ phải tự chuẩn bị mọi thứ, nghĩ đủ cách để hành trang thi đấu nhẹ nhất có thể. Thức ăn siêu nhẹ nhưng giàu năng lượng, ngay cả dây balô cũng bị cắt đến mức tối đa – tất cả cũng là để cô không phải gánh thêm “dù chỉ là 100 gam không đáng có trong chặng đường dài”.

Thanh Vũ vượt qua cửa ải đầu tiên tại Atacama (Chile), nơi có sa mạc đẹp và hùng vĩ nhưng địa hình trắc trở, nhiệt độ chênh lệch từ -5oC đến 40oC giữa đêm và ngày. Ở giải chạy đó, hình ảnh một người đàn ông Hồng Kông hơn 60 tuổi, bị khuyết tật, cần mẫn chinh phục từng cây số đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Thanh Vũ. Ở đó, cô còn nhận được sự sẻ chia từ những người chạy khác, đủ để thắng được nỗi sợ hãi, đủ để biết ơn và quyết tâm vượt lên chính mình.

Sau giải đó, Thanh Vũ lên kế hoạch tìm kiếm nhà tài trợ nhằm thực hiện ước mơ chinh phục các đường chạy siêu bền. Cách tiếp cận bài bản với kế hoạch rõ ràng đã giúp cô có được sự hỗ trợ từ hàng loạt doanh nghiệp, đủ điều kiện tham gia cả 4 chặng của giải chạy siêu bền “4 Deserts Grand Slam” năm 2016 trên những sa mạc nắng, gió, khô và lạnh nhất thế giới ở Châu Phi, Châu Mỹ, Nam Cực.

Thanh Vũ nói rằng mình đã lên kế hoạch trong 3 năm, từ 2016 đến 2018, sẽ chinh phục hầu hết những đường chạy khắc nghiệt nhất ở khắp các châu lục cũng như Bắc Cực. Thanh Vũ đang nỗ lực tập luyện để chinh phục nốt những đường chạy khắc nghiệt mà cô chưa từng đặt dấu giày. Cô tin rằng, mỗi lần thành công trên những đường chạy đó sẽ giúp cô truyền cảm hứng tới mọi người để họ có thể tự tin làm được những điều trước đây bị coi là ngoài tầm với.

“Nếu câu chuyện của tôi có thể khiến một cô/cậu bé người dân tộc nào đó ở vùng sâu, vùng xa nuôi giấc mơ học đại học tại các thành phố lớn thì đó cũng đã là thành công rồi” – Vũ Phương Thanh khiêm tốn nói, khép lại câu chuyện mà nhiều lúc người viết không thể tưởng tượng nổi.

Thùy An/ Hà Nội Mới

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang