Có đòi được nợ khi người thứ ba đang giữ tài sản có được từ thu nhập của con nợ không?

08/08/2018 07:55

(kiemsat.vn)
Tôi cho người bạn thân tên H vay 4 tỉ đồng trong 3 năm để làm ăn, năm đầu tiên anh ta kinh doanh rất lãi và đưa hết tiền cho bố mua đất, đứng tên của bố anh ta. Đến nay quá hạn trả nợ tôi mà anh ta không chịu trả. Tài sản đứng tên anh ta chỉ có hơn 1 tỉ đồng, vậy tài sản mà bố của H đang giữ có thể bị ép để trả nợ cho con không vì bố H không chịu bán tài sản?

Ảnh minh họa

Trường hợp bạn hỏi, Kiemsat.vn trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ trả nợ được xác định như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Do đó, hợp đồng vay tài sản được kí giữa bạn và H nên chỉ H mới có trách nhiệm hoàn trả tài sản đã vay khi đến hạn. Việc xác định trách nhiệm trả nợ của cha H đối với khoản nợ của H chỉ được thực hiện trong trường hợp cha H có bảo lãnh cho H về khoản vay nợ của H từ bạn theo căn cứ tại Điều 335 BLDS:

“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”

Nếu cha H có bảo lãnh trong trường hợp này thì khi H không có khả năng trả nợ, cha H có trách nhiệm trả số nợ mà H đã vay bạn.

Mặt khác, Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định về thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ như sau:

“1. Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.

Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu.

2. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, trong trường hợp H không đủ khả năng trả hết số nợ đã vay bạn, cha H không bảo lãnh cho H về khoản vay này nhưng nếu có quyết định của Tòa án về việc H phải trả cho bạn số tài sản đã vay và có căn cứ xác định tài sản mà cha của H có được là từ thu nhập của H thì Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp để đảm bảo thực hiện bản án, quyết định của Tòa án về nghĩa trả nợ của H đối với bạn.

Xem thêm>>>

Tin nhắn trên điện thoại, facebook có là căn cứ để đòi nợ?

Trao đổi về xác định thời hiệu khởi kiện thanh toán nợ lãi

Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang