Cơ chế đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh: Thời điểm chín muồi để triển khai thực hiện

20/11/2017 05:18

(kiemsat.vn)
Chính phủ cần rà soát lại trong các nội dung cho phép Tp. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm thì nội dung nào có thể cho phép Tp. Hà Nội thực hiện để tạo được sự hài hoà, tránh khác biệt để tăng thu nhập cũng như thu hút đầu tư giữa Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề xuất.

Sáng nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Cơ chế đặc thù TP Hồ Chí Minh ‘thời điểm chín muồi để triển khai thực hiện…’ Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp

Tinh thần dự thảo Nghị quyết là quy định cho Tp. Hồ Chí Minh được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính – ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý…

Cơ chế đặc thù TP Hồ Chí Minh ‘thời điểm chín muồi để triển khai thực hiện…’ Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

“5 năm qua, từ khi có kết luận của Bộ Chính Trị chúng ta chưa thực hiện được nội dung kết luận này thì nay là thời điểm tốt nhất để triển khai thực hiện” đại biểu Nguyễn Thái Học chia sẻ. Trong những cơ chế chính sách đặc thù dành cho Tp. Hồ Chí Minh có nội dung giải quyết được yêu cầu vướng mắc như tăng nguồn lực, đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, đường giao thông…

Do đó theo đại biểu Học, cần phải có thời gian và lộ trình để triển khai thực hiện như việc điều chỉnh chính sách thuế. Nhưng dù là chính sách hay lâu dài, dù thuận lợi hay khó khăn thì đây là những việc làm cần được ưu tiên để thành phố sớm thực hiện thí điểm…

Cơ chế đặc thù TP Hồ Chí Minh ‘thời điểm chín muồi để triển khai thực hiện…’ Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, thời gian qua Tp. Hồ Chí Minh đã phát huy thế mạnh của mình, năng suất lao động cao nhất cả nước. Tuy nhiên, đại biểu Bình cũng băn khoăn, trong 15 – 20 năm tới, Tp. Hồ Chí Minh liệu có tiếp tục trở thành đầu tầu kinh tế khi đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn? Cụ thể, kết cấu hạ tầng không theo kịp, thu hút đầu tư giảm, tỷ lệ người nghiện ma túy cao nhất cả nước, mức sinh thay thế thấp nhất…B ên cạnh đó, một công chức tại Tp. Hồ Chí Minh làm việc gấp 1,5 lần các địa phương khác…

Cơ chế đặc thù TP Hồ Chí Minh ‘thời điểm chín muồi để triển khai thực hiện…’ Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu)

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đồng tình việc trao cho Tp. Hồ Chí Minh những cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện, không chỉ là tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho thành phố mà còn là giao nhiệm vụ cho Tp. Hồ Chí Minh, từ quá trình thực hiện sẽ có sự đánh giá tổng kết những cơ chế quản lý nhà nước phù hợp cho phép đô thị lớn cả nước.

Nhưng đại biểu Tuấn cũng băn khoăn trước tình trạng Tp. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với tình trạng quá đông dân…” tại huyện Bình Chánh, riêng một ấp, đã có tới hàng trăm nhà hàng, khách sạn, công ty…”, hệ quả là nhiều khu vực sầm uất nhưng không quản lý chặt chẽ được, khiến cán bộ xã gánh số dân hơn một huyện và trở thành điểm tắc nghẽn. Các thách thức về môi trường, đô thị, dân số…dẫn tới suy giảm sự phát triển của thành phố.

Thảo luận tại tổ trước đó về dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành cơ chế đặc thù để TPHCM phát triển hơn nữa, nhất là trong thời điểm những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của thành phố động lực này đang chậm lại.

Phân tích sâu hơn về các cơ chế, chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, việc thí điểm nên có những đặc thù mà luật chưa quy định nhưng phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.

Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, giao thẩm quyền cho HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng Nghị quyết phải giới hạn “trần” diện tích được quyết là bao nhiêu, có thể như đề nghị của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội là quy hoạch diện tích đã được duyệt 5 năm.

“Cần bổ sung vào nghị quyết vì không nói “trần” mà TPHCM được quyết là bao nhiêu thì có khi quyết vượt lên cả thẩm quyền của Thủ tướng, của Quốc hội” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Về đề nghị điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ban hành sắc thuế mới là thẩm quyền của Quốc hội. Nghị quyết có thể quy định tạm thời thí điểm ở TPHCM nhưng không phải với tất cả các loại tài sản, mà chỉ gồm nhà và đất.

Cùng với đó, Nghị quyết cần có nội dung Chính phủ sớm trình Quốc hội dự Luật thuế tài sản nêu rõ phạm vi thí điểm ở TPHCM thì mới phù hợp tinh thần Hiến pháp.

Nhấn mạnh thuế suất là “linh hồn” của một sắc thuế, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm chỉ nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (với rượu, bia…) hay thuế bảo vệ môi trường. Còn với các loại thuế như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân chỉ nên giảm hoặc giữ ổn định. “Chúng ta lấy sự phát triển của nền kinh tế, quy mô nền kinh tế để tăng thu chứ không lấy chuyện tăng thuế suất để làm tăng thu. Ngay cả thuế tài sản cũng có lẽ nên đánh vào tài sản mang tính đầu cơ, dư thừa để huy động nguồn lực” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Anh Minh
(tổng hợp)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang