Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt những kết quả quan trọng

04/11/2016 11:12

(kiemsat.vn)
– Sáng 04/11/2016, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân; bố trí nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình MTQG XDNTM) được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo

Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)… Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chăn nuôi đã từng bước chuyển dần từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng, tăng tỷ trọng nuôi trồng những sản phẩm chủ lực. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh.

Về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, so với năm 2011 số lượng máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2015 tăng, cụ thể: máy cấy lúa tăng 10 lần, máy kéo các loại tăng 1,1 lần, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ tăng 1,24 lần, máy gặt đập liên hợp lúa tăng 1,54 lần. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước được nâng lên.

Xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp

Thực tế cho thấy, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình MTQG XDNTM còn nhiều bất cập, hạn chế. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới ban hành được hơn 2 năm, nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới chủ yếu mang tính định hướng, do vậy, việc triển khai có hiệu quả hay không phụ thuộc vào từng địa phương. Kết quả thực hiện tại các vùng, miền cũng có sự chênh lệch rõ rệt: số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phát biểu tại Hội trường

Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên do điều kiện tự nhiên, do sự phát triển không đồng đều tại các vùng, miền; không thể có một khuôn mẫu về mô hình nông thôn mới áp dụng chung cho cả nước

Trong quá trình thực hiện, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm quan trọng cho Giai đoạn 2. Đầu tiên, cần xác định Chương trình MTQG XDNTM là chương trình phát triển kinh tế – xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài tại nông thôn, cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Qua quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì nơi đó có sự chuyển biến thực sự rõ nét.

Cần tránh xa căn bệnh thành tích vì xây dựng nông thôn mới phải phát huy cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh nôn nóng thực hiện để đạt thành tích. Thường xuyên tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, phổ biến mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến để nhân rộng. Chú trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; đề cao vai trò giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc thực hiện Chương trình.

Nhiều bài học kinh nghiệm trong Giai đoạn 1 sẽ giúp Giai đoạn 2 thành công hơn nữa 
Nhiều bài học kinh nghiệm trong Giai đoạn 1 xây dựng nông thôn mới sẽ giúp Giai đoạn 2 thành công hơn nữa

Xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, khi xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu vừa thay đổi diện mạo nông thôn vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân để phát triển bền vững. Tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò hợp tác xã là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân.

Cần nhấn mạnh, mỗi vùng miền, địa phương có những đặc thù riêng, do vậy, cần thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để phù hợp.

Quốc Hội khoá XIV dành nhiều sự quan tâm tới xây dựng Nông thôn mới 
Quốc Hội khoá XIV dành nhiều sự quan tâm tới xây dựng Nông thôn mới

Chiều nay, 04/11/2016, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về các vấn đề liên quan tới Chương trình hành động quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang