Chủ tịch nước dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành Tư pháp

25/12/2017 10:22

Sáng ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành Tư pháp năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Dự Hội nghị có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực mà ngành Tư pháp đạt được năm 2017, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Chiến lược cải cách tư pháp được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 vào các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Cùng với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng được toàn ngành Tư pháp tổ chức thực hiện tốt thông qua việc đổi mới phương thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; kịp thời phát hiện những quy định bất hợp lý, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, được dư luận hoan nghênh, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và Tổ chức Thương mại Thế giới, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…

Trong bối cảnh đó, đề hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của mình, Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm, sau đây: Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, nhất là về xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua, như Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin… Tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về bổ trợ tư pháp, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp. Trên cơ sở tổng kết 8 năm thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp khắc phục những hạn chế của công tác quốc tịch trong thời gian qua.

Chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tăng cường công tác theo dõi thi hành án hành chính; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, không để phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa vi phạm trong toàn hệ thống thi hành án dân sự.

Tiếp tục phối hợp tham mưu xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng và có giải pháp hiệu quả phòng ngừa các tranh chấp đầu tư quốc tế; bảo đảm các căn cứ pháp lý vững chắc trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do, các điều ước quốc tế khác được ký kết nhân danh Nhà nước. Chủ động, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật trên cơ sở thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hiệu quả, thiết thực và chủ quyền quốc gia.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, yếu tố con người – đội ngũ cán bộ tư pháp giữ vai trò quyết định. Vì vậy, ngành Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Lê Sơn/ Bao chinh phu

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang