Cháy kho tạm giữ xe: Chủ phương tiện có được bồi thường?

10/04/2017 11:51

(kiemsat.vn)
– Như các báo đã đưa tin, hơn 100 chiếc xe máy vi phạm đang tạm giữ tại Kho xe số 1 Công an TP. Biên Hòa đã bị thiêu rụi sau vụ hỏa hoạn vào sáng ngày 8.4. Vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 115/2013/NĐ-CP: Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

Ảnh minh họa: Internet

Việc tạm giữ phương tiện vi phạm của Cơ quan Công an là một hành vi pháp lý đơn phương, nếu Cơ quan Công an tạm giữ xe máy hoặc phương tiện giao thông vi phạm mà bị cháy, gây thiệt hại thì Cơ quan Công an phải bồi thường. Nếu cơ quan công an chứng minh rằng việc cháy, thiệt hại đó là do sự kiện bất khả kháng (như sét đánh chẳng hạn…) thì Cơ quan Công an không phải bồi thường.

Nếu Cơ quan Công an đã giao, thuê một cá nhân, đơn vị nào đó trông giữ các tài sản này mà có lỗi để cháy, để thiệt hại thì các cá nhân đơn vị này cũng phải có trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp bất khả kháng. Trong trường hợp bất khả kháng, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan bảo hiểm mà mình có ký hợp đồng bảo hiểm chi trả thiệt hại.

Nếu Cơ quan Công an, người hoặc đơn vị trông giữ phương tiện vi phạm để xảy ra cháy, thiệt hại…mà có mua bảo hiểm đối với số xe máy, phương tiện này thì có quyền yêu cầu cơ quan bảo hiểm chi trả bồi thường thiệt hại và thanh toán lại cho người bị thiệt hại.

Nếu Cơ quan điều tra mà chứng minh được có kẻ phá hoại, đốt các xe máy này hoặc do vô ý mà làm cháy gây thiệt hại số xe này thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 143, 145 Bộ luật Hình sự, người có lỗi cố ý, vô ý này còn phải chịu bồi thường thiệt hại theo Điều 604 Bộ luật Dân sự.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là phải bồi thường đầy đủ, kịp thời, mức bồi thường do hai bên thỏa thuận sau khi đã trữ nghĩa vụ lưu giữ, phạt vi phạm hành chính. Nếu trường hợp không thỏa thuận được thì trong thời hạn 2 năm người bị thiệt hại có quyền khởi kiện người, đơn vị, cơ quan gây thiệt hại phải bồi thường tại Tòa án nơi có thiệt hại xảy ra.

Đỗ Xuân Tựu

Phó Vụ trưởng Vụ 7 – VKSNDTC

Trách nhiệm bồi thường của Tòa án khi áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời

(Kiemsat.vn) - Trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng được quy định tại Điều 113 BLTTDS năm 2015. Có 04 trường hợp Tòa án phải bồi thường khi áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang