Cần hướng dẫn về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015

26/02/2019 09:15

(kiemsat.vn)
Quy định này tuy chỉ mới có hiệu lực hơn nửa tháng, nhưng khi áp dụng đã nảy sinh vướng mắc, cần có hướng dẫn cụ thể.

Ảnh minh họa

Tại khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 ( BLHS 2015) đã quy định:… “ 3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Ví dụ: A điều khiển xe mô tô lấn phần đường bên trái, tung vào xe mô tô do B điều khiển đi ngược chiều làm B chết. Xét hành vi của A đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Do A đã kịp thời bồi thường thiệt hại cho gia đình B 150 triệu đồng; được người đại diện hợp pháp của B tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự nên A có đủ điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 đối với A, đã nảy sinh những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trước khi miễn trách nhiệm hình sự đối với A thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra rồi sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với A. Bởi, theo quy định tại Điều 18 BLTTHS 2015 “ Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án…”. Xét hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố… nếu  không khởi tố đối với A thì sẽ trái với quy định nói trên và các quy định của BLTTHS 2015 về căn cứ không khởi tố hình sự. Vì tại Điều 157 BLTTHS 2015 quy định các căn cứ không khởi tố hình sự lại không có căn cứ nào thuộc Điều 29 BLHS 2015.

Trong khi đó, tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 quy định về đình chỉ điều tra “ Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộluật hình sự”…

Thêm nữa, khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 cũng quy định “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”.

Quan điểm thứ hai thì cho rằng, đối với trường hợp của A không cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can rồi mới ra quyết định đình chỉ để miễn trách nhiệm hình sự, vì khởi tố thì phải tiến hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) như Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ; gửi tài liệu, hồ sơ cho VKSND cùng cấp để xem xét phê chuẩn; tống đạt các quyết định; hỏi cung bị can và tiến hành điều tra vụ án… Đối với VKSND phải nghiên cứu hồ sơ; xem xét, ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc điều tra… Như vậy, vừa tốn công, tốn thời gian của các cơ quan tố tụng. Hơn nữa, biết chắc rằng sau đó sẽ miễn trách nhiệm hình sự đối với A nhưng vẫn khởi tố, điều tra rồi đình chỉ là không hợp lý. Mặt khác, nếu khởi tố, tiến hành điều tra vụ án rồi mới đình chỉ thì A có một khoảng thời gian dài là bị can nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, lý lịch cá nhân..., trong khi miễn trách nhiệm hình sự là thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự  nước ta nên cần được xem xét áp dụng có hiệu quả, đúng mục đích.

Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn việc áp dụng quy định tại Điều 29 BLHS 2015.

(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang