Bị cáo Vũ Hồng Chương: Buộc phải chuyển tiền do sức ép

11/01/2018 16:46

(kiemsat.vn)
Ngày 11/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) khi triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục với phần đặt câu hỏi của các luật sư.

Biết sai nhưng vẫn ký 

Sáng 11/1, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Vũ Hồng Chương (Trưởng Ban QLDA Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2) cho biết khi ông về thì Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (sau đây gọi tắt là Hợp đồng 33) đã ký, còn Hợp đồng 4194/HĐ-DKPV (sau đây gọi tắt là Hợp đồng 4194) về sau mới ký, lúc dự án đã khởi công. Sau khi nhận nhiệm vụ, ông đã thực hiện yêu cầu của Chủ tịch HĐTV rà soát hợp đồng và có báo cáo bằng văn bản. Dù đã đã trình bày nhiều khó khăn nhưng tập đoàn vẫn yêu cầu ông Chương chuyển tiền. Ông buộc phải làm thủ tục chuyển tiền theo yêu cầu lãnh đạo vì mình là đơn vị phụ thuộc, nên cố gắng làm. Đơn vị cấp dưới nên thực thi mệnh lệnh cấp trên về chủ trương đề xuất tạm ứng; trước sức ép của công việc, áp lực và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tập đoàn, ông Chương phải nhận lệnh. Điều đó dẫn đến quyết định sai. “Tôi thực thi mệnh lệnh và ký chuyển tiền, dù tôi biết vi phạm nghị định 48 CP của Chính phủ..."

rả lời câu hỏi của luật sư về vấn đề ai đề xuất tạm ứng vốn, ông Chương khẳng định không có chuyện đề xuất PVN tạm ứng vốn cho PVC, việc tạm ứng tiền là theo yêu cầu của lãnh đạo tập đoàn. “Tôi phải thực hiện theo mệnh lệnh. Biết là vi phạm nhưng phải làm”.

Hợp đồng 33 không có giá trị pháp lý ngay sau khi ký

Sự sai phạm của các bị cáo trong việc ký Hợp đồng 33 đã được chứng minh rõ bằng phần trả lời của ông Vũ Huy Quang, nguyên TGĐ PVPower, dự toà với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông Quang cho biết chịu sức ép từ ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc tập đoàn PVN) chỉ đạo PVPower hoàn tất thủ tục và đẩy nhanh tiến độ Hợp đồng 33. Có hai thời điểm quan trọng là ngày 10/02/2011 ông nhận lệnh phải ký Hợp đồng trước ngày 26/2/2011 nhưng không kịp, nên ngày 21/02/2011 ông nhận lệnh phải ký trước ngày 26/02/2011. Trước khi ký hợp đồng và biết hợp đồng là vô hiệu, phía PVPower đã báo cáo Tập đoàn bằng 03 văn bản, nêu rõ sự khó khăn và thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý phải mất từ 3 đến 6 tháng và chỉ có thể ký nhanh nhất vào giữa tháng 6 nhưng Tập đoàn bắt phải ký ngay trong tháng 2.

PVPower khẳng định hợp đồng 33 là vô hiệu và chắc chắn sẽ không thể thực hiện được. Ông Quang cũng khẳng định có rất nhiều lời khai của bị cáo và nhân chứng là không biết các sai phạm của Hợp đồng 33 trước 31/5/2011 là không đúng. Ông khẳng định điều này vì ngày 01/3/2011, ông Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp tại PVN công bố dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 với nhiều thành phần tham gia, có cả PVPower, PVN, PVC, Công đoàn … ông Thăng đã yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo về các khó khăn, vướng mắc thì ông Quang đã báo cáo trước cuộc họp là đây là Hợp đồng còn nhiều vướng mắc pháp lý và ngay sau đó, ông Thăng đã chỉ đạo đưa vào công văn yêu cầu rà soát lại các điều khoản Hợp đồng 33.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư hỏi bị cáo Nguyễn Quốc Khánh: “Liên quan quyết định phân công, uỷ quyền. Có văn bản nào báo cáo bị cáo về khó khăn, vướng mắc hay liên quan Hợp đồng 33 không?”. Phó TGĐ Nguyễn Quốc Khánh cho biết có đọc báo cáo khó khăn về than, lò hơi và khi phát hiện hợp đồng không đủ tính pháp lý thì báo cáo đề nghị xử lý hợp đồng, còn không thấy có báo cáo khó khăn vướng mắc về tài chính của dự án. 

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời trước tòa (Ảnh TTXVN)

Liên quan đến vấn đề này, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, đã lắng nghe ý kiến của nhiều bị cáo, trong đó có ý kiến của Vũ Hồng Chương. Việc thúc ép thi công là cần thiết, tuy nhiên, trong tất cả chỉ đạo, quyết định của Chủ tịch, Ban Tổng Giám đốc đều yêu cầu thực hiện theo đúng pháp luật, không vì bất cứ lý do nào mà làm sai, gây thiệt hại.

Hợp đồng "định mệnh" đưa ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo vào vòng lao lý:

Ngày 28/02/2011, ông Vũ Huy Quang, Tổng Giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc PVC kí Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (viết tắt Hợp đồng EPC số 33) về việc: “Thiết kế, chế tạo kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói, vận chuyển… lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu EPC xây dựng Nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2. 

Theo cơ quan tố tụng, Hợp đồng EPC số 33 được lập không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có thật… Mặc dù vậy, nhưng theo đề nghị của PVC thì PVN vẫn chuyển tiền tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỉ đồng. Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã sử dụng số tiền hơn 1,1 nghìn tỉ đồng sai mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỉ đồng.

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang