Bao giờ hết nạn “chặt chém” du khách?

27/07/2018 08:14

(kiemsat.vn)
Bữa ăn đêm gần 700 triệu, tiền cước taxi đắt gấp 10 lần so với quy định..., những câu chuyện xấu xí này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện mạo Việt Nam trong mắt du khách. Có thể nói, “chặt chém” đã và vẫn luôn là một vấn nạn của ngành du lịch.

Thực tế, nạn chặt chém những năm qua biến tướng “muôn hình vạn trạng”, nó diễn ra từ vỉa hè cho đến nhà hàng khách sạn, các khu vui chơi giải trí sầm uất, bãi biển, khu du lịch... Đây cũng là một  nguyên nhân lớn kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Còn nhớ, năm 2016, vụ việc du khách Úc phải trả gần 700 triệu cho một bữa ăn và chơi bida tại một nhà hàng ở tp HCM khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Một câu chuyện khác được báo CAND đưa tin: Chiều 17/9/2017, hai du khách Trung Quốc đón taxi của hãng Khánh Hòa do Lê Trọng Quất làm lái xe từ Nha Trang Center về khách sạn, với khoảng cách gần 5 km. Khi đi đến ngã ba đường Dương Hiến Quyền - Phạm Văn Đồng, cách khách sạn Mường Thanh vài chục mét, lái xe Lê Trọng Quất dừng xe taxi, đồng hồ tính tiền trên xe báo số tiền 62.000 đồng nhưng Quất yêu cầu bà Lu Juan phải thanh toán 7,12 triệu đồng. Do quá lo lắng nên bà Lu Juan đã đưa cho lái xe tổng cộng 6 triệu đồng và đến Công an phường trình báo. Lái xe này sau đó đã bị công ty sa thải.

Tờ tiền vàng mã tài xế trả lại cho khách (Ảnh: Báo Pháp luật)

Mới đây nhất là vụ việc một lái xe taxi sử dụng tiền âm phủ trả lại cho khách nước ngoài gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua. Báo Pháp luật cho biết, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định được danh tính lái xe là Trần Văn Phong (38 tuổi, quê Nam Định).

Đây chỉ là những sự vụ đơn lẻ, nhưng cũng đủ phản ánh sự méo mó, lối làm ăn chộp giật, thời vụ trong các dịch vụ du lịch ở Việt Nam hiện nay. Có lẽ, không một ngành kinh tế nào được xã hội hóa mạnh như du lịch, nhưng lâu nay người ta tham gia vào ngành công nghiệp này mà không được đào tạo, không được cung cấp những kỹ năng cũng như được trang bị kiến thức cần có của người làm du lịch. Họ chỉ hiểu rất đơn giản là bán được càng nhiều hàng càng tốt chứ không nhận thức được rằng, làm du lịch giống với việc tiếp khách. Chỉ một sự phật ý nhỏ có thể khiến khách không muốn đến nhà mình.

Trong khi ngành du lịch đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp nhằm tạo đòn bẩy phát triển lượng khách nước ngoài đến Việt Nam thì nạn “chặt chém”, gian dối đã khiến hình ảnh người Việt mến khách, thân thiện trở nên đáng cảnh giác trong mắt người nước ngoài.

Cần mạnh tay xóa sổ...

Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi tại Khoản 1 Điều này vi phạm từ lần thứ hai trở lên. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá…

Nạn chặt chém sẽ làm cho du khách "một đi không trở lại" (Ảnh minh họa, nguồn: internet))

Đã đến lúc phải quyết liệt loại trừ vấn nạn này. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, siết chặt việc quản lý giá tại các cơ sở lưu trú, kinh doanh thực phẩm và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi “chém chặt” du khách, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ.

Đối với chính quyền địa phương, phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng chứ không thể cứ “phê bình”, rút mãi “sợi dây” kinh nghiệm được...

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để họ tham gia vào cung ứng dịch vụ du lịch một cách hiệu quả, tránh tình trạng vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch quốc gia.

Cuối cùng, với mỗi người dân, trước khi đi du lịch, cần tham khảo thông tin về dịch vụ nơi mình sắp đến, đặt trước khách sạn và có sự thống nhất về giá cả trước khi sử dụng dịch vụ hay mua bất kỳ món đồ nào. Khi phát hiện hành vi “chặt chém”, cần thông tin, phản ánh kịp thời cho các cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng.

Hầu hết các địa phương đều có số điện thoại đường dây nóng để du khách phản ánh, yêu cầu can thiệp khi xảy ra sự cố:

Hà Nội: 0941.33.66.77

Hạ Long: 033.6282.282 - 0913.265.009

Đà Nẵng: 0236.1022 - 0236.3550.111

Vũng Tàu: 0989.217.417 - 088.8803.247

Phú Quốc: 0297.3911479

Điện Biên: 0915.531.244

Sầm Sơn (Thanh Hóa): 0237.3201.999 - 0988.148.300/Cấp cứu biển: 0988.595.763

Thừa Thiên-Huế: 0234.3847.232, 0908.218.217 (chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL).

Bình Thuận: 0252.3810.801 - 0252.3608.222

Nha Trang: 0947.528.000 - 0258.3528.000

An Giang: 0911.575.911 - 0969.536.584

Quảng Nam: 0235.3666.333

Quảng Bình: 0232.3833.399 - 0232.3503.399

Xem thêm>>>

Loạn giá trông xe tự phát, “chặt chém” khách ở phố đi bộ Hồ Gươm

Kiên quyết xử lý hàng rong chèo kéo khách du lịch

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang