Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ sáu

16/09/2018 06:55

(kiemsat.vn)
Sáng 15-9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ sáu. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu ý kiến kết luận phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG (TTXVN)

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến về dự thảo: Tờ trình của Ban Nội chính T.Ư về nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021; Báo cáo của Quân ủy T.Ư về việc điều chỉnh Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”; Tờ trình của Ban Cán sự đảng TAND tối cao về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”; Báo cáo về một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP) tại một số địa phương. 

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, thời gian qua, các cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc tích cực, nghiên cứu xây dựng bảo đảm chất lượng nội dung trong các dự thảo tờ trình, đề án, báo cáo nêu trên. Ban Nội chính T.Ư và cơ quan liên quan cần tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp để nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính T.Ư - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, cần tổ chức lại Văn phòng Ban Chỉ đạo phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc. Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ, tài liệu, bảo đảm việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội phát huy hiệu quả, theo đúng tinh thần CCTP, cải cách hành chính. Về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính” do TAND tối cao đề xuất, là nội dung quan trọng, thiết thực, nhưng là vấn đề mới, cần tiếp tục mở rộng phạm vi thí điểm để có thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và lý luận, tạo cơ sở vững chắc khi xây dựng chính sách, pháp luật trong vấn đề này.

Chủ tịch nước đánh giá, thời gian qua, các cấp, ngành ở địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm những nhiệm vụ CCTP và đạt nhiều kết quả quan trọng, kịp thời chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương của T.Ư về công tác CCTP. Mối quan hệ giữa các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, tư pháp, thi hành án có nhiều chuyển biến, kịp thời tham mưu với cấp ủy chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề, vụ việc theo thẩm quyền. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều đổi mới, chất lượng công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng lớn, những vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm. Chú trọng khâu phát hiện án kinh tế, tham nhũng, cũng như các biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, tài sản bị những đối tượng tham nhũng chiếm đoạt. Đề cao tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ CCTP ở các địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nhất là việc giải quyết các vụ án hành chính, công tác thi tuyển, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán còn chậm, dẫn tới tình trạng quá tải và gây áp lực cho các tòa án tại địa phương. Chủ tịch nước đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền ở T.Ư bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ CCTP, cần tập trung hơn nữa cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

PV

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang