“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”

19/12/2017 03:07

(kiemsat.vn)
– Cách đây tròn 71 năm, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, vào hồi 20:03’ ngày 19/12/1946, Nhà máy điện Yên Phụ vụt tắt, pháo đài Láng đã trút đạn lên đầu quân Pháp, mở ra cuộc chiến 9 năm gian khổ, giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng

Ngay sau khi vừa giành độc lập 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã phải đối diện với tình thế hết sức hiểm nghèo. “Thù trong, giặc ngoài” cùng những thách thức, khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hóa – xã hội, đặt chính quyền cách mạng non trẻ vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vì hòa bình, Chính phủ chúng ta đã phải nhân nhượng những yêu sách đầy khó khăn từ phía quân đội Tưởng Giới Thạch như bán một phần lớn lương thực cho họ, nhường một số ghế trong Chính phủ… Về khối xã hội chủ nghĩa, tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tự giải tán, nhằm “phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”. Về phía Pháp, chúng ta luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Một trong những cố gắng nhằm vãn hồi hòa bình quan trọng của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là chuyến thăm nước Pháp kéo dài hơn 4 tháng (từ 31/5 – 20/10/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chính phủ Pháp tổ chức trọng thể Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sân bay Le Bourget, Thủ đô Paris (22/6/1946)

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chúng ta đã thất bại trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Bản thân nước Pháp lúc đó cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nên quyết tâm tăng cường vơ vét tài sản từ các nước thuộc địa, bù vào lỗ hổng tài chính. Dã tâm của chúng được thể hiện bằng nhiều hành động được cho là “quyết gây chiến tranh”, liên tiếp gây ra các cuộc thảm sát ở Hải Phòng và Hà Nội. Vừa đàm phán, nhân nhượng chúng ta cũng chủ động chuẩn bị cho chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1946, các thành phố, địa phương đều đã nhận được lệnh di chuyển các kho tàng, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất vũ khí ra ngoại thành, về nông thôn, lên rừng núi, đề phòng chiến sự lan rộng. Nhưng đúng như nhận định của Bác Hồ: “chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Sáng 19/12, Pháp gửi tiếp cho phía Việt Minh một tối hậu thư, đòi tước vũ khí của Vệ quốc đoàn ở Hà Nội, đòi Việt Minh phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến.

Giờ cứu nước đã đến

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Đến lúc này, mọi nỗ lực giữ gìn hòa bình của chúng ta đã tan vỡ, thực dân Pháp đã dồn nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đến đường cùng. Ngày 19/12/1946, Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 20/12/1946 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ cho nổ mìn phá máy phát điện, cắt điện toàn thành phố vụt tắt. Ngay lập tức pháo đài Láng khai hỏa, bắn những phát đạn đầu tiên vào cơ sở của địch trong thành phố, tiếp đến là hỏa lực của các pháo đài khác rền vang, quân và dân Hà Nội cùng cả nước hừng hực khí thế bước vào kháng chiến.

Pháo đài Láng đã trút lửa căm thù, báo hiệu cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ bắt đầu (ảnh tư liệu)

Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài suốt 9 năm sau đó đã được kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng đó đã được bắt đầu từ một ngày mùa đông năm 1946, khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên toàn quốc.

Sơn Tùng

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang