600 hộ dân kêu cứu vì mua nhà giữa Thủ đô mà không có… đường

23/02/2017 11:52

NDĐT – Từ hơn hai tháng nay, khoảng 20 hộ dân và sắp tới là gần 600 hộ dân thuộc chung cư Ecolife Tây Hồ (Xuân La, quận Tây Hồ) rơi vào cảnh nhận bàn giao nhà mà không có đường vào. Hiện tại, lối ra vào duy nhất của chung cư là con đường đất chạy ven mương, không có rào chắn, không đèn chiếu sáng, đầy ổ voi ổ gà và nguy hiểm hơn nữa là đi chung với hàng loạt xe công trình ra vào ngày đêm của các công trình xây dựng quanh khu vực này.

Con đường duy nhất ra vào khu chung cư thường xuyên chịu cảnh lầy lội như thế này. 

Dự án Ecolife Tây Hồ được xây dựng trên lô đất O17 – HH1 thuộc khu đô thị mới Tây Hồ Tây, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án gồm ba tòa A, B, C, trong đó tòa A cao 33 tầng, hai tòa B và C cao 28 tầng, do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô thực hiện. Khởi công từ đầu năm 2015, đến cuối năm 2016 dự án bắt đầu hoàn thành và dần được đưa vào sử dụng. Mỗi căn hộ ở đây có giá bán ít nhất là hơn 2,2 tỷ đồng (theo giá thương mại mà chủ đầu tư bán ra).

Quảng cáo hệ thống đường vào chung cư Ecolife từ nhiều ngả khác nhau trên trang chủ của chính chủ đầu tư.

Trong suốt quá trình thi công dự án, Ecolife Tây Hồ luôn được quảng cáo là có vị trí thuận lợi về giao thông như nằm ngay mặt đường 40m nối Nguyễn Văn Huyên nối dài với Võ Chí Công, cách các đường Hoàng Quốc Việt 300m, Võ Chí Công 200m, Nguyễn Văn Huyên nối dài 100m, thậm chí có nơi còn vẽ cả đường từ Ecolife Tây Hồ ra các đường Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng… Bản thân dự án cũng được giới thiệu với địa chỉ là ngõ 20 Hoàng Quốc Việt nhưng thực tế khi nhiều người đi vào ngõ 20 hỏi đều được biết đây là ngõ cụt, không thông sang phía dự án.

Con đường mương nhìn từ phía đường Võ Chí Công, vào thời điểm khu nhà còn đang xây dựng. Hiện tại vẫn không có gì thay đổi.

Lối ra vào duy nhất của Ecolife Tây Hồ hiện nay và một số công trình phía bên trong như dự án nhà tái định cư, trụ sở mới của một cơ quan Bộ, dự án nhà ở dành cho cán bộ công nhân viên Học viện Quốc phòng, dự án Bắc Hà… đều đang phải đi qua một con đường đất ven mương, đầy ổ voi ổ trâu do bị xe công trình ngày đêm cày xới, ngày mưa thì lầy lội, trơn trượt, bờ mương dốc, ngày nắng thì bụi mù… Một bên con đường là các bãi gửi xe, cây bụi, bên còn lại là con mương thoát nước của khu vực. Đường hoàn toàn không có rào chắn bảo vệ ven mương cũng như hệ thống chiếu sáng. Được biết, đây là con đường thuộc sở hữu tư nhân, do các công trình thuê tạm để lấy lối ra vào phục vụ việc xây dựng, cho nên hoàn toàn không được đầu tư về chất lượng.

Bờ mương cao và dốc, cho nên khả năng người tham gia giao thông bị ngã xuống mương rất cao.

Điều đáng nói, trong hợp đồng mua bán với khách hàng mua căn hộ Ecolife Tây Hồ, chủ đầu tư ghi rất rõ ràng ở hai điều 4.3 và 4.4 như sau:

“4.3 Bên Bán thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở tại Nhà Chung Cư có Căn Hộ của Bên Mua theo quy hoạch, thiết kế, nội dung, tiến độ dự án đã được phê duyệt và bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng do Nhà nước quy định.

4.4 Bên Bán chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng Căn Hộ và các công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu ở thiết yếu của Bên Mua tại Khu Nhà Chung Cư theo nội dung Dự Án và tiến độ đã được phê duyệt trước ngày Bên Bán bàn giao Căn Hộ cho Bên Mua, bao gồm: hệ thống đường giao thông; hệ thống điện chiếu sáng công cộng, điện sinh hoạt; hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, nước thải; đầu chờ hệ thống thông tin liên lạc và truyền hình cáp; hệ thống công trình hạ tầng xã hội bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.”

Theo giải thích của chủ đầu tư, đường 40m nối thông từ Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công thuộc dự án Tây Hồ Tây nên không can thiệp được, phải chờ tiến độ của dự án này. Trong thời gian chờ đợi, cư dân sẽ tạm thời sử dụng con đường mương kể trên.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi chỉ có duy nhất con đường vào không bảo đảm an toàn như vậy, chủ đầu tư lại một mực ép khách hàng nộp đủ tiền và nhận nhà mà không cần quan tâm đến nhu cầu đi lại an toàn của người mua nhà, trái ngược hẳn với những gì chủ đầu tư quảng cáo. Thời hạn nhận nhà lần 1 của các căn thương mại như chủ đầu tư thông báo là ngày 30-12-2016, đợt thứ hai rải rác đầu năm 2017…

Đường mương dẫn vào khu chung cư vào ngày nắng.

Hiện tại, gần 300 căn hộ thương mại bị buộc phải nộp tiền đợt cuối và nhận nhà đã bắt đầu rải rác sửa chữa và chuyển về ở. Nhiều gia đình có người già, con nhỏ vẫn đành phải ngày ngày lưu thông trên con đường độc đạo nhiều bất trắc này để ra ngoài và về nhà.

Đó là chưa kể đến những bất hợp lý khác của chủ đầu tư đối với khách hàng mua nhà như việc sang tên đổi chủ, không cho khách hàng xem nhà trước khi nộp tiền nhận nhà, để trần đường ống nước thải ở khu vực logia của mỗi căn hộ … Được biết, nhiều khách hàng mua lại căn hộ của cán bộ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khi làm xong thủ tục sang tên đổi chủ đã không được chủ đầu tư xác nhận để hoàn thành nốt, không rõ lý do tại sao, mặc dù đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và công chứng giấy tờ đầy đủ. Bên cạnh đó, những chủ nhân căn hộ tương lai ở Ecolife hoàn toàn không được đến xem trực tiếp căn hộ của mình khi đã hoàn thiện, trừ khi nộp hết tiền và nhận bàn giao nhà, đây là một trong những điều mà chủ đầu tư gây khó, bắt bí người mua.

Những vấn đề này, cư dân đã nhiều lần khiếu nại, nhưng chưa thực sự thấy chủ đầu tư làm gì để khắc phục hoặc thực hiện giải pháp nào để gỡ khó. Vì thế, 600 hộ dân ở đây đang kêu cứu tới các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, ngành xây dựng và các cơ quan liên quan để được bảo đảm về nhu cầu đi lại an toàn, nhu cầu sở hữu tài sản chính đáng…

Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những kẽ hở mà cơ quan quản lý cần lưu ý siết chặt trong việc quản lý mua bán nhà trên giấy (khi chưa hoàn thành dự án nhà trên thực tế) khá phổ biến hiện nay.

ĐỖ QUYÊN. (Ảnh do cư dân khu chung cư cung cấp)

theo Nhân Dân

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang