5 vị Trưởng khoa đầu tiên của Trường Cao đẳng kiểm sát

20/11/2017 08:34

(kiemsat.vn)
Nhân Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Kiemsat.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những dòng ký ức của Tiến sĩ Khuất Văn Nga, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC về những người Trưởng Khoa đầu tiên của Trường Cao đẳng Kiểm sát, họ là những con người tận tụy, trí tuệ, chân tình và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Trong không khí phấn khởi, vui mừng của toàn ngành kiểm sát khi nhận Quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát, tôi cũng như thấy sống lại không khí của những ngày tháng này cách đây 20 năm, đó là thời kỳ bắt đầu sắp xếp, kiện toàn lại cơ cấu, tổ chức của Trường để kết thúc hình thức đào tạo trung cấp kiểm sát chuyển sang đào tạo hệ cao đẳng kiểm sát hệ 4 năm, có trình độ tương đương  đại học.

Kỷ niệm sâu sắc nhất, mà cũng là vấn đề tôi rất tâm đắc là việc sắp xếp, bố trí các vị trí Trưởng Khoa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đó là quyết định đúng đắn của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát lúc bấy giờ là ông Vũ Quang Chính, một chuyên gia xuất sắc, tâm huyết và trách nhiệm, người đã đề xuất hai nhiệm vụ lớn của Trường lúc đó là kiện toàn tổ chức các Khoa và bổ sung cán bộ chủ chốt, xây dựng bộ giáo trình mới phục vụ cho việc giảng dạy. Chính ông đã cùng tập thể lãnh đạo lựa chọn các vị trí Trưởng khoa và đề xuất Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm. Lúc đó, Nhà trường được tổ chức phù hợp với đào tạo ở bậc đại học với 5 Khoa là: Khoa Mác-Lê Nin, Khoa Lý luận Nhà nước và Pháp luật; Khoa Luật Hình sự; Khoa Luật Dân sự và Khoa Nghiệp vụ Kiểm sát, cùng với đội ngũ giáo viên gần 50 người được đào tạo ở các Trường Đại học trong nước và nước ngoài, đã qua thực tiễn công tác kiểm sát.

Tiến sĩ Khuất Văn Nga làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, Tokyo 2008

Mỗi khi nhớ về Trường Cao đẳng Kiểm sát, ký ức hiện về trong tôi là hình ảnh vô cùng thân thương của những người Trưởng Khoa đầu tiên, các anh là những con người tận tụy, trí tuệ, chân tình và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Qua những dòng tâm sự về Nhà trường này, tôi muốn nhớ về các anh với những kỷ niệm không bao giờ quên.

Anh Nguyễn Gạo (sinh năm 1932) – Trưởng Khoa Mác-Lê Nin, anh là một giảng viên mẫu mực, hiểu biết sâu sắc và uyên thâm về chủ nghĩa Mác – Lê Nin, nhưng trong cuộc sống thì thật bình dị. Điều làm tôi nhớ nhất là mỗi khi lên lớp anh giảng say sưa hàng mấy giờ liên tục mà không cần dùng giáo án, anh đã truyền cảm hứng cho sinh viên tình yêu với môn triết học. Đối với sinh viên, anh rất công tâm, phát hiện và đánh giá đúng sinh viên có năng lực và khuyến khích họ kịp thời. Ngược lại, anh lại đòi hỏi rất cao ở sinh viên, yêu cầu họ đọc trực tiếp các tác phẩm triết học kinh điển và tin tưởng giao cho học trò những vấn đề nghiên cứu có tầm vóc như phân tích luận đề: “ Vũ khí phê phán chỉ có thể phê phán bằng vũ khí” … trong bức thư Mác gửi Vâyđơmaye” và sẵn sằng cho điểm kém những sinh viên làm bài yếu. Sau này, khi anh trở về quê hương làm giám đốc Trường Đảng Quảng Ngãi, anh gửi lại cho tôi cuốn sách “Chống Đuy-rinh”, khoảng 600 trang, xuất bản 1959, với dày đặc những ghi chép, nhận xét của anh ở các trang sách. Đến bây giờ tôi vẫn gìn giữ cuốn sách như là một kỷ niệm đẹp về anh, một con người với sức làm việc đáng khâm phục. Sau này, tôi rất ít được gặp anh, nhưng tôi vẫn không thôi nhớ về một người thày giáo tài năng, tâm huyết, có tài, có đức.

Anh Phạm Phi Đằng (sinh năm 1930) – Trưởng Khoa Luật Dân sự, anh học Luật tại Trường Đại học Tổng hợp Shevchenko ở Kiev,Ucraina. Tôi luôn nhớ về anh như một người chị của tất cả giáo viên trong Trường. Tính cách của anh rất nhẹ nhàng và chân tình. Trung thực không chỉ trong học vấn mà còn trong đối nhân xử thế với mọi người. Anh rất ghét thói bon chen, luôn đề cao sự phấn đấu của mỗi người. Có một kỷ niệm vui về anh mà tôi còn nhớ rõ là khi anh được bổ nhiệm Trưởng Khoa, được hưởng mức lương 115 đồng (là mức lương cao lúc bấy giờ, được nhận Phiếu C), anh đã dành số phiếu thịt cả tháng, mua 2kg thịt lợn để làm cơm mời một số anh em chia vui. Thời kỳ này, Luật Dân sự là một môn học khó và phức tạp, ít tài liệu, đầy rẫy những khái niệm lạ tai như trái chủ, trái vụ .v.v. Anh đã dịch giáo trình về luật Dân sự của Liên Xô để tham khảo và xây dựng tập bài giảng về dân sự cho Nhà trường, đặt nền móng cho bộ môn Luật Dân sự của Trường sau này. Năm 1990, trước khi anh nghỉ hưu, anh có mời tôi đến tâm sự và trao cho tôi tập giáo trình Dân luật của Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop bằng tiếng Nga từ những năm 1960 và dặn dò tôi phải luôn cố gắng phấn đấu, giữ vững đạo đức của người cán bộ, nhất là đức tính khiêm nhường. Từ đó đến nay, tôi chưa được gặp lại anh lần nào, nhưng hình ảnh của anh vẫn in đạm trong trí nhớ của tôi như một người chị nhân hậu, người đã dạy cho tôi bài học về sự hy sinh, chịu đựng và khiêm tốn.

Anh Vũ Đức Khiển (sinh năm 1940) – Trưởng Khoa Lý luận Nhà nước và Pháp luật, anh là một trong số ít cán bộ của ngành Kiểm sát nhận bằng cử nhân Luật của Trường Đại học Tổng hợp Shevchenko ở Kiev,Ucraina và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Luật học ở Viện hàn lâm khoa học xã hội Matxcơva. Khi về nước anh giữ nhiều trọng trách như: Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội, Phó Viện trưởng VKSNDTC và là Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội nhiều nhiệm kỳ. Anh sống rất thanh liêm, trung thực và thẳng thắn, là người thày mẫu mực, nghiêm túc, có tính kỷ luật cao trong giảng dạy và cũng đòi hỏi rất cao ở sinh viên. Tôi còn nhớ anh đã ra đề thi cho môn công pháp quốc tế như sau: “Phân tích chung sống hòa bình như là một nguyên tắc của công pháp quốc tế” và chấm điểm hết sức chặc chẽ và công tâm. Anh cũng là một tấm gương tự học để vươn lên, khi anh đã có bằng Tiến sĩ Luật với vốn tiếng Nga thông thạo, nhưng anh vẫn dành thời gian vào buổi tối để học thêm tiếng Đức. Ở anh là một nghị lực phi thường, là tấm gương cho cán bộ ngành Kiểm sát về tinh thần tự học. Anh trở thành chuyên gia đầu ngành không chỉ của ngành Kiểm sát mà của cả nước trong lĩnh vực khoa học pháp lý.

Anh Trần Văn Nghinh (sinh năm 1941, đã mất ở tuổi 53)- Trưởng Khoa Luật Hình sự, anh cũng là cựu sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Shevchenko, đang học năm thứ hai, do vấn đề xét lại, anh phải trở về Tổ quốc. Được giao nhiệm vụ Trưởng Luật Hình sự, anh say mê, miệt mài dịch nhiều tài liệu từ tiếng Nga sang tiếng Việt để làm tài liệu tham khảo rất quý cho ngành Kiểm sát. Anh cùng các anh Hà Mạnh Trí, Tăng Thảnh, Vũ Đức Khiển… đã dịch cuốn “Những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác kiểm sát ở Liên Xô”, xuất bản năm 1975, là công trình hết sức có ý nghĩa và tài liệu quý cho Ngành. Sau này, anh là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát nhiều năm và là Vụ trưởng Vụ thi hành án VKSNDTC. Trong cuộc sống, anh sống chan hòa với anh em, anh yêu thích thể thao và thực sự là cán bộ có năng lực.

Người cuối cùng là tôi, Khuất Văn Nga (sinh năm 1950) – Trưởng Khoa Nghiệp vụ Kiểm sát. Tôi được bổ nhiệm Trưởng khoa khi vừa 32 tuổi, sau 9 năm công tác trong ngành. Nhân đây, tôi xin bày tỏ sự biết ơn đến Lãnh đạo VKSNDTC và Hiệu trưởng Vũ Quang Chính đã tin tưởng giao cho tôi trọng trách là Trưởng một khoa mới của Trường để tôi có cơ hội được làm việc, tiếp cận học hỏi các bậc đàn anh đi trước và được một đội ngũ lãnh đạo Trường Cao đẳng Kiểm sát như các anh: Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Huy Thuân, Nguyễn Đức Lương, Vũ Quang Chính, Nguyễn Văn Ngọc, Phan Giá… là những bậc tiền bối, qua thực tiễn công tác của ngành tư pháp đã trở thành những chuyên gia suất sắc của ngành Kiểm sát, bồi dưỡng, vun đắp, truyền đạt những kinh nghiệm qúy báu cho tôi.

Tôi cũng muốn nói thêm về Hiệu trưởng Vũ Quang Chính. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, đã từng đi làm thuê nhiều việc rất vất vả, trưởng thành sau khi tham gia cách mạng và đứng trong hàng ngũ công an nhân dân và sau đó trở thành chuyên gia rất suất sắc về pháp luật và công tác kiểm sát. Ở con người ông toát ra một phẩm chất trong sáng, hết lòng, hết sức vì công việc. Ông là người trực tiếp viết tổng kết 25 năm, tham gia xây dựng các bản tổng kết 30 năm, 40 năm và 50 năm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân. Dưới sự dẫn dắt, động viên của Hiệu trưởng Vũ Quang Chính và sự xét duyệt, phê chuẩn của lãnh đạo VKSNDTC, tôi đã biên soạn giáo trình đầu tiên về công tác kiểm sát về Lý luận công tác kiểm sát phần chung, gồm 8 bài giảng khi tôi mới 35 tuổi. Sau này, từ Trưởng Khoa Nghiệp vụ Kiểm sát, tôi tiếp tục được bổ nhiệm các cương vị công tác như: Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kiểm sát, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát và năm 2000, tôi được bổ nhiệm là Phó Viện trưởng VKSNDTC khi tròn 50 tuổi. Đối với tôi, khoảng thời gian 5 năm làm Trưởng khoa là một bước ngoặt trong cuộc đời, là bước tập dượt cơ bản và có ý nghĩa quan trọng để tôi trưởng thành và hoàn thành nhiệm vụ những năm tiếp theo, rồi trở thành một trong những người lãnh đạo của ngành Kiểm sát nhân dân.

Trong công tác đào tạo, tôi cho rằng yếu tố con người là quan trọng nhất, do có một đội ngũ giáo viên hùng hậu, được đào tạo bài bản và đã kinh qua thực tiễn công tác kiểm sát nên đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ kiểm sát có phẩm chất, có năng lực, đặc biệt là lớp Lý luận (1982-1985), có nhiều cán bộ trưởng thành và giữ nhiều trọng trách quan trọng trong ngành Kiểm sát và các ngành khác như: Đồng chí Trần Công Phàn – Phó Viện trưởng VKSNDTC, đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban chống tham nhũng Trung ương, và các đồng chí lãnh đạo cấp Vụ như: Trần Đình Khánh, Phạm Trí Thức, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Văn Tiệp… và nhiều người khác ở các khóa đào tạo.

Qua những dòng tâm sự này, tôi muốn gửi đến các đồng chí lãnh đạo VKSNDTC và tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Cao đẳng Kiểm sát lời cảm ơn chân thành nhất và sự biết ơn của tôi đến các thế hệ đàn anh đi trước đã quan tâm dìu dắt, khích lệ tôi trên mỗi bước đường công tác./.

Tiến sĩ Khuất Văn Nga 

Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC,

 nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát số 10/2013

Xúc động trở lại mái trường xưa

(Kiemsat.vn) – Chớm thu, khi những cơn gió heo may tràn về, gần 100 mái đầu đã bạc cùng nhau trở về mái trường Kiểm sát để ôn lại những kỷ niệm sau 40 năm ngày nhập trường. Đó là các học viên Khóa 6, Trường cán bộ kiểm sát Trung ương, niên khóa 1977-1979.

Từ năm 2017, đưa quyền con người vào giáo dục quốc dân

(Kiemsat.vn) – Ngày 5/9/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân. Đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang