10 kết quả nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017

01/01/2018 11:15

(kiemsat.vn)
Tạp chí Kiểm sát bình chọn và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc 10 sự kiện, kết quả hoạt động nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2017.

Năm 2017 ngành Kiểm sát nhân dân với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả ” đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. 

1.    Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao

Năm 2017, Ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nhiều khâu công tác đột phá. Kết quả toàn ngành đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản trong Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63, Nghị quyết số 96 và Nghị quyết số 111 của Quốc hội. Nổi bật là tỉ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99%; Tỉ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,99%, vượt 4,99%; Tỉ lệ kiến nghị khắc phục vi phạm được các cơ quan chấp nhận đạt 96,6 %, vượt 16,6%; Tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 24,85%. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, kết quả, thành tích xuất sắc mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong năm qua.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo công tác trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư khóa XIV

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Trần Quốc Vượng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Viện, nguyên lãnh đạo VKSND tối cao và các đồng chí đại diện các Bộ, ngành tư pháp trung ương.

2. Truy tố, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhiều đại án tham nhũng

Năm 2017, quán triệt thực hiện nghiêm chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, toàn Ngành đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tiến độ, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Kết quả số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố tăng 17,9%%.

VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an; Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn như: Vụ án Phạm Công danh và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; Vụ án Hà Văn Thắm cùng  đồng phạm bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương; vụ án Vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines); Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt nam và các đơn vị thành viên;...

Kết quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua  được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Phạm Công Danh tại phiên tòa - ảnh Vnexpres

Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử ngày 28/8/2017 - ảnh Vnexpress

3. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai; chống bỏ lọt tội phạm 

Năm 2017, VKSNDTC đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp hằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai trong tố tụng hình sự như: ban hành chỉ thị tăng cường trách nhiệm trong quản lý, giải quyết các vụ án tạm đình chỉ; quy định Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm khi ban hành các quyết định tố tụng; Đẩy mạnh công tác thanh tra trong nôi bộ ngành để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cá nhân có vi phạm liên quan đến oan sai; Tăng cường hoạt động lấy lời khai người bị tạm giữ trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố; hỏi cung, phúc cung bị can trong quá trình kiểm sát điều tra, truy tố. 

Viện kiểm sát đã kiểm sát chặt 100% vụ án hình sự từ khi khởi tố, ban hành gần 57.000 yêu cầu điều tra, tăng 8,1%, chiếm gần 82% số vụ án mới khởi tố, tham gia hỏi cung  đối với gần 39.000 vụ án chiếm 44,1% số án mới khởi tố, qua đó yêu cầu thay đổi, bổ sung 105 quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hủy bỏ 271 quyết định khởi tố bị can trái pháp luật, yêu cầu khởi tố 450 bị can và trực tiếp khởi tố yêu cầu điều tra đối với 8 bị can. 

Kết quả các trường hợp đình chỉ do bị can không phạm tội giảm 19,6%. Đặc biệt trong năm 2017, chỉ còn 3 bị cáo bị Tòa án tuyên không phạm tội có trách nhiệm của Viện kiểm sát, giảm 70% so với năm trước.

Kiểm sát tham gia trực tiếp hỏi cung bị can

 4. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đơn thư khiếu tố

Năm 2017, VKSND cấp cao ở cả 3 miền xác định nhiệm vụ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm là khâu đột phá, theo đó đã xây dựng kế hoạch, quy trình giải quyết đơn và tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương điều động cán bộ biệt phái về các viện kiểm sát cấp cao để giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng phần mềm quản lý khoa học, đồng thời phối hợp chặt chẽ với TAND cấp cao trong việc tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ. 

Kết quả,trong lĩnh vực hình sự, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 39%, Tòa án chấp nhận kháng nghị đạt 93,9%, vượt 23,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội; Trong lĩnh vực dân sự, hành chính kinh doanh thương mại đã thụ lý giải quyết gần 22.200 đơn đề nghị nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 62,8%, tăng 22,3%; thông qua giải quyết đơn đã ban hành276 kháng nghị tăng 28,9%. Đây là những kết quả cao nhất kể từ năm 2015 khi các Viện kiểm sát cấp cao được thành lập và tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết đơn đề  nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ các vụ nghiệp vụ trực thuộc VKSND tối cao và từ VKSND cấp tỉnh, cấp huyện  trên địa bàn cả nước.

Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Trong năm, VKSND các cấp đã tiếp gần 30.000 lượt công dân; giải quyết 22.231 đơn khiếu nại tố cáo đạt 69,5%; đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại một buổi tiếp công dân tại Phòng tiếp dân của VKSNDTC.

Kiểm sát viên VKSND cấp cao TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu hồ sơ giải quyết đơn

Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ giải quyết đơn

5. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao 

Theo quy định tại Luật Tổ chức VKSND 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật hình sự 2015 và Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự mới được ban hành, thẩm quyền, chủ thể tội phạm điều tra của CQĐT VKSNDTC đã được mở rộng hơn nhiều so với trước đây. Cụ thể, thẩm quyền điều tra tăng từ 14 lên 38 tội danh, bao gồm 24 tội xâm phạm hoạt động tư pháp, 14 tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Cơ quan điều tra VKSND tiếp tục được quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ sung lực lượng. Trong năm đã thành lập Phòng Kỹ thuật hình sự và 03 phòng điều tra tội phạm tại khu vực miền núi phía Bắc, khu vực các tỉnh Tây Nguyên, khu vực các tỉnh Tây Nam bộ; Tổ chức thi tuyển, tuyển chọn, tiếp nhận 39 công chức; Phối hợp với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra cho các cán bộ, điều tra viên Cơ quan điều tra VKSNDTC để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

 

Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSND tối cao trao quyết định thành lập Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc

6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Toàn ngành tập trung đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xác định đây là cơ chế kiểm tra nội bộ một cách hữu hiệu; đã kiện toàn bộ máy thanh tra trong Ngành: Thành lập Phòng xử lý sau thanh tra, Phòng Thanh tra tài chính, đầu tư thuộc VKSND tối cao và thành lập đơn vị Thanh tra tại 44 VKSND cấp tỉnh.

Đổi mới công tác thanh tra theo hướng, giảm thanh tra theo kế hoạch, tăng cường công tác thanh tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hình sự; tập trung vào những đơn vị có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ, những nội dung liên quan đến trách nhiệm của VKSND trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, những lĩnh vực, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, để xảy ra vi phạm, nhằm bảo đảm dân chủ ở cơ sở được thực hiện đầy đủ, nghiêm minh.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao kết luận kiểm tra toàn diện tại VKSND cấp cao 1

Lễ công bố Quyết định thành lập Thanh tra tại VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế

7. Tổ chức kỳ thi tuyển Kiểm sát viên năm 2017

Công tác thi tuyển Kiểm sát viên năm 2017 có nhiều đổi mới so với các kỳ thi năm trước. Việc thi tuyển được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, đề thi được ra  theo hướng mở, đòi hỏi thí sinh thí sinh phát huy khả năng tư duy tổng hợp, vận dụng kiến thức pháp luật vào thực tiễn thông qua việc xử lý các tình huống pháp luật. Thông qua các kỳ thi, VKSNDTC bổ nhiệm các Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp ở các cấp VKSND.

Kiểm tra giấy tờ thí sinh trước khi vào phòng thi

Phổ biến cách viết giấy thi

Kiểm tra đề thi

8. Khoá 1 cử nhân chuyên ngành luật của Đại học Kiểm sát tốt nghiệp

Sau 4 năm miệt mài học tập, 214 sinh viên khóa 1 Trường đại học kiểm sát Hà Nội vừa được trao bằng cử nhân, đại học hệ chính quy chuyên ngành Luật ( trong đó có 15 sinh viên xếp loại giỏi; 157 sinh viên xếp hạng tốt nghiệp loại khá).

Các sinh viên tốt nghiệp có trình độ tương đương với cử nhân luật, ngoài ra còn được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát tương đương với trình độ đào tạo cho cán bộ ngành kiểm sát.

Đây là nguồn cung cán bộ có chất lượng cao cho ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tặng Bằng khen cho sinh viên Phạm Thị Kiều Trang, lớp K1E Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có thành tích xuất sắc trong học tập

Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chúc mừng sinh viên Phạm Thị Kiều Trang, lớp K1E Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có thành tích xuất sắc trong học tập.

Trao giấy khen cho sinh viên thủ khoa và sinh viên tốt nghiệp loại giỏi

9. Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp 

Toàn Ngành tiếp tục quan tâm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế; mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương với Viện kiểm sát, cơ quan Công tố, tư pháp các nước và tổ chức quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tập trung hợp tác trong lĩnh vực xây dựng thể chế, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phổ biến pháp luật.

Năm qua, VKSNDTC đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự với Cam-pu-chia và Ca-dắc-tan; tiến hành đàm phán, hoàn thiện thủ tục để tiến tới ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự với 6 nước trên thế giới.

Phối hợp tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế. Nổi bật là tổ chức thành công Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào lần thứ Năm tại Việt Nam; Hội nghị VKSND các tỉnh các chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ Nhất.

Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước được đẩy mạnh, số lượng hồ sơ tiếp nhận, thụ lý giải quyết  tăng  46, 23%, tỉ lệ hồ sơ được giải quyết đạt 98%, trong đó có nhiều yêu cầu tượng trợ tư pháp phức tạp.

Việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự đã từng bước đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài.

Trong khuôn khổ Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ nhất, ngày 17/7, Viện trưởng VKSND tối cao hai nước đã tiến hành ký kết Biên bản hội nghị với nhiều nội dung quan trọng.

Viện trưởng VKSNDTC hai nước Việt Nam – Lào ký Biên bản Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Lào lần thứ V 

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC và Ngài Zhakyp Assanov, Tổng Viện trưởng, Tổng Viện kiểm sát nước cộng hòa Kazakhstan, thay mặt hai Nhà nước đã tiến hành ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Kazakhstan.

10. Khởi động dự án làm phim truyền hình nhiều tập về ngành Kiểm sát nhân dân

Với mục đích nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ngành KSND, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp, VKSNDTC đang phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) thuộc Đài truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim truyền hình dài tập theo thể loại chính luận, đây là dự án làm phim truyện đầu tiên về ngành KSND.

Chủ đề tư tưởng của bộ phim phản ánh cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt chống tội phạm, trọng tâm là chống tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật; vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong cuộc đấu tranh đó. 

Bộ phim cũng sẽ thể hiện cái nhìn đa chiều về tội phạm kinh tế, chức vụ, tội phạm tham nhũng và những khó khăn, phức tạp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này và những vấn đề nóng có liên quan, đang được dư luận xã hội quan tâm.

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại phiên họp thứ Nhất về xây dựng bộ phim ngành KSND.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang