09 nguyên tắc xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa DNNN

04/06/2018 08:29

(kiemsat.vn)
Các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp không chấp hành đúng chế độ quy định, gây ra tổn thất hoặc thất thoát tài sản nhà nước thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/5/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP).

Cụ thể, về nguyên tắc xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, được thực hiện như sau:

- Căn cứ danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải chủ động thực hiện xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định hiện hành; đồng thời xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trước thời điểm quyết định cổ phần hoá.

ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

- Khi nhận được quyết định cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp phải thực hiện tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản, nguồn vốn và xử lý các vấn đề về tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn tại Mục I, Mục II Chương 2 Thông tư này làm cơ sở để lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hoá chuyển sang công ty cổ phần.

- Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

- Quá trình xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp không chấp hành đúng chế độ quy định, gây ra tổn thất hoặc thất thoát tài sản nhà nước thì tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp phát hiện kê khai thiếu hoặc bỏ sót các tài sản, công nợ trong quá trình kiểm kê tài sản, đối chiếu xác nhận công nợ dẫn đến giảm giá trị doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa do nguyên nhân chủ quan thì doanh nghiệp cổ phần hoá và các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp toàn bộ giá trị tài sản, công nợ kê khai thiếu hoặc bỏ sót; trường hợp cố tình kê khai thiếu hoặc cố tình bỏ sót thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Riêng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước bị bỏ sót thì phải thực hiện kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tài chính trong quá trình cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và những vấn đề về tài chính phát sinh (nếu có) có liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

- Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần (bao gồm: khoản mục tiền và tương đương tiền, nợ phải thu, nợ phải trả, đặt cọc, ký cược, ký quỹ) được xác định lại theo tỷ giá quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

- Tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, doanh nghiệp lập báo cáo tài chính và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Trường hợp doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tương ứng với số lỗ phát sinh theo quy định tại Khoản 7 Điều 21 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP thì công ty cổ phần không được chuyển số lỗ này khi xác định thu nhập chịu thuế của các năm sau theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

- Tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này; đồng thời được lựa chọn thêm các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa phải được áp dụng tối thiểu 02 phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Công bố thông tin

Doanh nghiệp cổ phần hoá phải thực hiện công bố công khai thông tin về quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và các nội dung hướng dẫn cụ thể sau: Chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các quyết định, văn bản của cấp có thẩm quyền về xử lý các vấn đề về tài chính, lao động, đất đai liên quan đến quá trình cổ phần hoá và các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp cổ phần hoá phải thực hiện công bố công khai thông tin trên trang điện tử của doanh nghiệp và gửi về Cổng thông tin điện tử Chính phủ; đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm báo cáo về tình hình, tiến độ triển khai công tác cổ phần hoá theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đăng tải công khai thông tin trên trang điện tử của doanh nghiệp cổ phần hoá; đồng thời gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/6/2018. Các nội dung quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01/01/2018.

Thông tư này thay thế Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 5/9/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Xem chi tiết Thông tư số 41 tại đây.

Xem thêm >>>

Từ 15/7/2018: Doanh nghiệp được khuyến mại, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ

Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Vì môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp

Thẩm quyền của Chủ tịch UBND hành chính đặc khu: Còn nhiều ý kiến trái chiều

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang